Lo lắng đánh giá học sinh Tiểu học theo môn theo Thông tư 22
Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh Tiểu học trên cơ sở hoàn thiện thay Thông tư 30 sẽ chính thức được áp dụng từ 6/11.
TheoBộ GD-ĐT, việc ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không thay thế Thông tư 30.
Xung quanh việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22, một số lãnh đạo trường Tiểu học đã bày tỏ những ý kiến, quan điểm về một số thay đổi trong đánh giá học sinh Tiểu học.
Thay vì chấm điểm, Thông tư 22 vẫn yêu cầu giáo viên đánh giá thường xuyên việc học tập và rèn luyện học sinh bằng nhận xét (ảnh minh họa) |
Đánh giá học sinh theo môn học có thể gặp một số khó khăn
Cô giáo Dương Thị Thu, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Hà Nội cho biết, cả Thông tư 30 và Thông tư 22 đều quy định, không chấm điểm học sinh hàng ngày, mà chú trọng đến việc hàng ngày giáo viên phải ghi nhận xét cho học sinh bằng nhiều hình thức như: giáo viên viết vào vở, trao đổi trực tiếp về tình hình học tập của con với phụ huynh, nhắn tin bằng sổ liên lạc điện tử.
Nếu như Thông tư 30 quy định việc khen thưởng học sinh một cách chung chung thì Thông tư 22 đã rõ ràng hơn thông qua việc khen thưởng học sinh học xuất sắc ở một bộ môn, ở một mặt nào đó...
Theo như cô Dương Thị Thu, việc đánh giá học sinh theo môn học bằng các mức A, B, C có thể gặp một số khó khăn nhất định. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy định về mức đánh giá này nhưng quá trình nhận xét, đánh giá lại tùy thuộc vào từng giáo viên. Vì vậy, nếu trong quá trình thực hiện, việc đánh giá học sinh theo môn học có bất cập gì thì có thể phải điều chỉnh tiếp.
Nếu như khi thực hiện Thông tư 30, giáo viên dạy các môn văn hóa và năng khiếu phải viết nhiều nhận xét cho học sinh bằng sổ sách thì Thông tư 22 đã có sự thay đổi. Thay vì nhận xét học sinh thông qua sổ sách, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh vào bảng ghi kết qủa trong 4 kỳ (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II, cuối học kỳ II). Việc chấm điểm giữa kỳ chỉ thực hiện ở học sinh khối 4 và 5. Điều này cũng sẽ giảm bớt công việc phải nhận xét học sinh bằng sổ sách cho giáo viên.
Cô Dương Thị Thu, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Hà Nội |
Với việc Bộ GD-ĐT quy định như trên, cô Dương Thị Thu cho rằng, một quy định mới nào đưa ra đối với sự đổi mới giáo dục đều sẽ gặp phải những ý kiến đồng tình và trái chiều từ phía dư luận xã hội là chuyện bình thường.
Để thay đổi một quan điểm chuyển từ chấm điểm sang nhận xét học sinh hay đánh giá học sinh qua bài kiểm tra giữa kỳ và cả học kỳ là cả một quá trình. Bất kỳ một quy định mới nào đưa ra đều phải có thời gian để giáo viên, học sinh và phụ huynh làm quen dần.
Theo cô Dương Thị Thu, để biết chính xác được việc chuyển đổi từ không chấm điểm sang đánh giá, nhận xét học sinh cũng như việc học sinh khối 4, 5 phải thêm bài kiểm tra giữa kỳ có đạt hiệu quả hay không thì rất cần phải có thời gian thử nghiệm và có thời gian để đánh giá.
Nhằm giúp các trường Tiểu học thực hiện tốt Thông tư 30 và những điểm mới của Thông tư 22, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn tới các Sở GD-ĐT và có kế hoạch tập huấn cho giáo viên thực hiện.
Quan tâm đến học tập của con em vẫn chủ yếu thuộc về nhà trường
Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội nhận xét: Sau 2 năm thực hiện Thông tư 30, Bộ GD-ĐT đã rất cẩn thận khi đưa ra Thông tư 22 bằng cách là không chỉ hỏi ý kiến các chuyên gia, lãnh đạo, tổ chuyên môn trường học mà là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của giáo viên.
Thông tư 30 có tính nhân văn rất cao khi học sinh được nghe những lời nhận xét, động viên, khuyến khích của giáo viên. Tuy nhiên, khi nghe những lời khen ngợi của giáo viên nhiều cũng có thể khiến học sinh bằng lòng với kết quả học tập của mình nên tinh thần học tập không thể cao bằng việc giáo viên chấm điểm số. Ngoài ra, sự đôn đốc con em học tập của phụ huynh cũng bị hạn chế.
Thông tư 30 có quy định là việc chăm lo cho việc tập của học sinh gồm 3 yếu tố: Sự giáo dục của nhà trường, sự phấn đấu của chính học sinh và sự quan tâm của gia đình. Thế nhưng trên thực tế, việc chăm lo cho học tập của học sinh chủ yếu lại thuộc về phía nhà trường là chính.
Thời gian để có sự tương tác, trao đổi việc học tập giữa giáo viên và phụ huynh không có nhiều. Thông thường việc làm này chỉ qua các cuộc điện thoại, tin nhắn, sổ liên lạc điện tử, cuộc họp phụ huynh. Thực tế là giáo viên không có nhiều thời gian để trao đổi trực tiếp với phụ huynh về tình hình học tập của con một cách thường xuyên và liên tục vì khi đến trường là phải vào lớp để giảng dạy, quản lý học sinh.
Với Thông tư 22, Bộ GD-ĐT không chỉ quy định rõ về các mức khen thưởng học sinh mà còn đề cập rõ vai trò đánh giá chính thuộc về nhà trường. Giáo viên không phải dùng nhiều sổ sách để nhận xét học sinh nữa mà thay vào đó là tập trung, chủ động hơn vào công tác giảng dạy học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thắm cho biết, các giáo viên, tổ chuyên môn trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đang nghiên cứu Thông tư 22. Sắp tới, nhà trường cũng sẽ tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng cách thức để giáo viên có thể áp dụng vào thực tiễn nhận xét, đánh giá học sinh.
Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ có cuộc họp trao đổi với phụ huynh học sinh về những điểm mới trong Thông tư 22 để phụ huynh nắm rõ và cùng phối hợp với nhà trường trong chăm lo với việc học tập của con em./.