Obamacare, hay tên đầy đủ là Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (PPACA) năm 2010, đã thay đổi cách chi trả bảo hiểm cho khoảng 20 triệu người dân Mỹ cũng như thay đổi những lợi ích mà các công ty bảo hiểm phải đưa ra cho khách hàng.

thi truong bao hiem my bi doi bom vi ong trump treo obamacare

Những người được hưởng lợi từ Obamacare ra sức bảo vệ di sản của ông Obama trong khi phe Cộng hòa phản đối vì cho rằng lý thuyết kinh tế "đỡ đầu" cho Obamacare là phi thực tế. Ảnh: AP

Thế nhưng trong sắc lệnh hành chính đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các cơ quan liên bang bãi bỏ đạo luật này. Ông Trump đã phát đi một thông điệp chính trị rõ ràng rằng: Kể cả khi Quốc hội (nay do đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số tại cả 2 viện) chưa kịp chính thức bãi bỏ Obamacare, chính quyền mới cũng có thể tự mình dỡ bỏ từng phần đạo luật này.

Động thái đã gây ra một cơn chấn động trong hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ và tạo thêm những bất ổn trong bối cảnh thị trường bảo hiểm của nước này rất mong manh dễ vỡ.

Những tác động thực tế từ sắc lệnh của ông Trump vô cùng khó đoán

Sắc lệnh này nêu rõ, tất cả các cơ quan liên bang phải hủy hoặc hoãn bất cứ phần nào của Obamacare mà có thể gây ra gánh nặng về tài chính hoặc quy định cho những người bị ảnh hưởng, bao gồm các khách hàng, bác sỹ, bệnh viện và những nhà cung cấp khác cũng như các công ty bảo hiểm và dược phẩm.

Với việc rút lại hoặc xóa bỏ yêu cầu buộc cá nhân phải mua bảo hiểm, quyết định này có thể ảnh hưởng đến số lượng người đăng ký mua bảo hiểm trước khi kỳ mở bán kết thúc vào ngày 31/1/2017 cũng như ảnh hưởng số lượng các công ty sẽ tham gia thị trường bảo hiểm của Obamacare trong năm tới.

Chủ tịch công ty tư vấn Health Policy and Strategy Associates, ông Robert Laszewski gọi sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump là một “quả bom” dội vào thị trường bảo hiểm đã “lung lay như răng bà lão” của Obamacare.

Vốn là một người lâu nay chỉ trích rất mạnh mẽ Obamacare, ông Robert Laszewski bày tỏ thất vọng rằng, thay vì gửi đi một tín hiệu về sự chuyển đổi có trật tự, phe Cộng hòa, mà cụ thể là Tổng thống Donald Trump, đã gửi đi một thông điệp cho thấy đây sẽ là một sự chuyển đổi vô tổ chức. Ông nói: “Làm thế nào mà chính quyền của ông Trump lại có thể nghĩ rằng điều này không khiến tình hình còn tồi tệ hơn cơ chứ?”

Trong khi đó, Teresa Miller, một ủy viên phụ trách về bảo hiểm ở Pennsylvania cho biết một số hãng trong thị trường bảo hiểm của bang này đang “xem xét nghiêm túc việc rời khỏi thị trường vào năm tới”.

Thực tế, bà Miller cho biết, một số hãng đã đưa ra khả năng rút khỏi thị trường bảo hiểm của Obamacare trong năm 2017 này. Khi đó, khách hàng vẫn có thể giữ nguyên kế hoạch bảo hiểm nhưng không được nhận trợ cấp từ liên bang để giúp họ chi trả nữa. Theo bà Miller, viễn cảnh này là một “cơn ác mộng”.

Chính phe Cộng hòa cũng đang “lúng túng”

Nhà Trắng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh “treo” Obamacare.

Trong khi đó tại Quốc hội Mỹ, lãnh đạo phe Cộng hòa cũng tỏ ra rất thận trọng với việc ca ngợi sắc lệnh hành chính của Tổng thống.

Một ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh “treo” Obamacare, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Tennessee Lamar Alexander, Chủ tịch Ủy ban Sức khỏe, Giáo dục, Lao động và Lương hưu của Thượng viện Mỹ, lên tiếng cho rằng ông Trump đã “đúng khi đưa ra hành động khẩn cấp để cứu người dân Mỹ khỏi bị mắc kẹt trong hệ thống đổ nát của Obamacare”.

Trong khi đó, chia sẻ với Fox News ngày 22/1, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viên Mỹ Mitch McConnell chỉ ra rằng: “Tổng thống Obama đã tự mình thực thi Obamacare thì Tổng thống Trump cũng có thể tự mình phá bỏ nó”.

Mặc dù vậy, khi được hỏi về kế hoạch thay thế của tân Tổng thống là gì, ông Mitch McConnell chỉ cho biết phe Cộng hòa đang nỗ lực hợp tác với chính phủ để vạch ra một lộ trình chuyển đổi có trật tự.

Nhìn chung đảng Cộng hòa cũng ở trong tình trạng chưa rõ hướng giải quyết vấn đề này như thế nào. Quốc hội lưỡng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua một biện pháp ngân sách nhằm thúc đẩy việc “khai tử” Obamacare nhưng họ chưa thống nhất ý tưởng phải làm gì và khi nào sẽ thay thế đạo luật được xem là di sản của cựu Tổng thống Obama này.

Trong khi đó, các nghị sỹ lại đang chịu áp lực phải hành động nhanh chóng sau khi Tổng thống Trump cam kết cung cấp “bảo hiểm cho mọi người” trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Washington Post. Một thân tín của ông Trump hôm 22/1 cũng cho biết việc tân Tổng thống ký sắc lệnh “treo” Obamacare ngay ngày đầu tiên nhậm chức là để hối thúc phe Cộng hòa hành động nhanh hơn kế hoạch họ đưa ra trước đó.

Ít nhất về bề nổi, phản ứng của ngành công nghiệp bảo hiểm Mỹ hiện còn khá yên ắng. Trong một email ngày 21/1, đại diện cho gần 1.300 công ty bảo hiểm trong nước, người phát ngôn hiệp hội Kế hoạch bảo hiểm y tế Mỹ (AHIP) Kristine Grow cho rằng hiện “còn quá sớm để nhận định” sắc lệnh của ông Trump có tác động ra sao tới ngành này./.