Thầy giáo tâm huyết gieo chữ nơi vùng cao
Trong suốt 8 năm qua thầy giáo Hoàng Văn Hinh đã cắm bản, miệt mài gieo chữ nơi điểm trường vùng cao |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai từ năm 2014, thầy giáo Hoàng Văn Hinh đã lựa chọn quay trở về quê hương. Suốt 8 năm qua, thầy luôn nỗ lực đem con chữ đến cho những đứa trẻ vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Là một giáo viên đã khó, nhưng với giáo viên dạy ở trên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn hơn. Để học sinh nắn nót được từng nét chữ là cả sự nỗ lực của thầy giáo Hoàng Văn Hinh.
Thầy giáo Hoàng Văn Hinh, Điểm trường Liên Phương, Trường tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên tại à địa phương nên tôi cũng mong muốn là các cháu của địa phương ai cũng được học hành, nên khi học xong cấp ba tôi đã chọn nghề sư phạm để sau này ra trường thì sẽ về địa phương công tác. Khó khăn ở đây, thứ nhất là hoàn cảnh của các em học sinh khó khăn về kinh tế nên nhiều lúc các em còn hay nghỉ học, khó khăn nữa là bố mẹ các em không mấy để ý đến việc học của con, hầu như là phó mặc cho nhà trưởng, từ sách vở, bút viết... nên hầu như các thầy phải lo. Từ đầu năm là cứ phải tạm ứng của các thầy cô ra để mua vở, bút rồi là sách giáo khoa..., chúng tôi đăng ký theo lớp khi nào các em được tiền chế độ chi phí học tập thì mới lại trừ vào tiền sách của các em".
Là người dân tộc Mông, thầy giáo Hoàng Văn Hinh hiểu rõ hơn ai hết con đường đến trường của học trò vất vả ra sao. Thương học trò, đôi chân rắn rỏi của người thầy lại ngược núi, băng rừng, đi vào tận bản làng sâu để vận động các em đến trường, đến lớp theo đuổi con chữ.
Anh Lý Văn Vàng, xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Thầy Hinh là thầy giáo người Mông, thầy luôn đến tận nhà để vận động các em đến lớp học đầy đủ".
Em Dương Thị Thảo, Lớp 2b, Điểm trường Liên Phương, Trường tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: "Năm nay là năm thứ hai em học thầy Hinh, học thầy em hiểu và em rất thích học thầy".
Thầy giáo Phan Văn Khôi, Điểm trường Liên Phương, Trường tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nhận xét: "Thầy Hinh là thầy giáo người dân tộc Mông, thầy có lợi thế là biết hai thứ tiếng là tiếng Mông và tiếng Việt phổ thông, thế cho nên thầy thuận lợi trong dạy học, đó là có thể sử dụng song ngữ, các em học dễ hiểu. Trong quan hệ đồng nghiệp thầy là người sống rất thân thiện, rất chan hòa và thầy luôn luôn nhiệt tình".
Điểm trường Liên Phương, Trường tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ |
Trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp cải thiện qua từng năm, đó là thành quả của những nỗ lực của các thầy cô giáo ở điểm trường vùng cao như thầy giáo Hoàng Văn Hinh, đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo trẻ Hoàng Văn Hinh là hạt nhân trong các phong trào thi đua, liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sỹ thi đua cơ sở.
Cô giáo Đinh Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nhận xét về thầy Hinh: "Trong quá trình công tác thầy Hinh luôn là một thầy giáo gương mẫu, thầy quan tâm đến tất cả những em học sinh, đặc biệt là những em học sinh khó khăn ở tại điểm trường. Thầy luôn chia sẻ và động viên các em đi học đầy đủ, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thầy luôn quan tâm và giúp đỡ. Công tác giảng dạy thì thầy cũng luôn tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Điểm trường Liên Phương, Trường tiểu học số 2 Văn Lăng hiện có 134 học sinh, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục của Nhà trường đang từng bước được nâng cao. Con chữ đã được đưa đến những vùng sâu và xa nhất. Kết quả ấy chính là nỗ lực không mệt mỏi của biết bao thế hệ các thầy giáo, cô giáo, những người đã và vẫn đang miệt mài cắm bản, gieo chữ. Và những giáo viên như thầy giáo Hoàng Văn Hinh chính là sự tiếp nối đầy trách nhiệm để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở những vùng khó của tỉnh Thái Nguyên./.