Thắp sáng ước mơ của trẻ khuyết tật
Các cô giao luôn nỗ lực giúp các em tiến bộ mỗi ngày.

Không giống như giảng dạy học sinh bằng giọng nói, sợi dây kết nối lớn nhất trong lớp học văn hóa chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính chính là sự kiên trì, sự cảm thông, thấu hiểu. Suốt hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật, điều trăn trở lớn nhất của thầy cô giáo nơi đây là tìm cách để xoa dịu những thiệt thòi của các em, giúp các em tiến bộ mỗi ngày, hòa nhập với cộng đồng.

Giáo viên Cái Thị Thanh Huyền - Tổ Khiếm thính, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Bản chúng tôi cũng luôn tìm ra những phương pháp làm sao để giáo dục các em cho nóthật phù hợp và thường xuyên là quan tâm chia sẻ, gần gũi trò chuyện cùng với các em để biết được các em cần cái gì thì mình sẽ hỗ trợ và hướng dẫn các em".

Ở lớp học bình thường chỉ cần bảng đen, phấn trắng. Nhưng với những lớp học đặc biệt này, giờ lên lớp là những con chữ nổi, những cuốn sách được in bằng chữ braile, những ngón tay giao tiếp thay bằng lời giảng và hơn hết đó là sự kiên trì, nhẫn nại, tình yêu thương của người giáo viên luôn đong đầy trong từng tiết học đặc biệt này.

Thắp sáng ước mơ của trẻ khuyết tật
Một buổi học của các em học sinh khiếm thị.

Giáo viên Nguyễn Thị Chinh - Tổ Khiếm thị, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi truyền đạt cho học sinh trong những bài giảng chủ yếu là giảng dạy, các em cũng nhận thức khá nhanh, nghe các cô giảng bài các em hiểu và trả lời bài làm bài rất tốt".

Gần 300 em học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên ở đủ dạng tật khác nhau, từ khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển, tăng động, tự kỷ,... Với những giáo viên tại Trung tâm, niềm vui đến lớp của của các em học sinh cũng chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của mình.

EmChu Thanh Thế - Lớp 3 Khiếm thính, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ở trường chúng em được các thầy cô yêu thương, được các cô dạy viết chữ, dạy làm toán. Em còn được vui chơi với các bạn nữa. Em vui lắm. Chúng em cảm ơn các thầy cô rất nhiều".

Tình yêu thương của những người cha, người mẹ thứ hai đã biến mái trường Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên thành ngôi nhà chung cho những trẻ em kém may mắn. Và chính từ tình yêu thương sẽ là điểm tựa để các em khôn lớn, trưởng thành.