Thảo luận tổ các nội dung trình tại Kỳ họp thứ mười chín, HĐND tỉnh
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp.

Các đại biểu nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh về kết quả phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Nhấn mạnh trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Đồng thời cũng chỉ rõ một số khó khăn ảnh hưởng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu.

Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Một trong những nguyên nhân công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn, liên quan đến các thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường, các thủ tục về xây dựng, công tác chuẩn bị đầu tư của hướng dự án, một số dự án còn chậm. Năm nay thời tiết mưa nhiều nên tiến độ triển khai các dự án gặp khó khăn, đấu thầu thì bắt đầu có hiệu lực từ mùng 1/1/2024, tuy nhiên văn bản hướng dẫn nghị định để thi hành luật đấu thầu đến ngày 27/2 mới ban hành, cho nên mất gần 3 tháng nên các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn các đơn vị tư vấn không kiểm thực hiện được".

Nhiều đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch năm, các ngành, địa phương cần cần tiếp tục đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ đề nghị: "Đề nghị trong báo cáo bổ sung các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí về thu ngân sách, thu tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, đưa ra các giải pháp để phân tích dự báo, kịp thời tham mưu tăng trưởng và GRDP năm 2024 của tỉnh nói chung, giải pháp thực hiện điều hành kinh tế với phát sinh để cuối năm 204 chúng ta hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đượ đề ra theokế hoạch".

Liên quan tới một số chính sách đặc thù của tỉnh được xem xét, quyết định tại Kỳ họp lần này. Trong đó có Quy định mức thu học phí và chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý năm học 2024 - 2025. Các ý kiến nhất trí cao, khẳng định đây là chính sách an sinh xã hội thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính đối với nhiều gia đình.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Mục tiêu hỗ trợ này rất nhân văn vì đối tượng phần lớn các phụ huynh cháu học sinh mầm non đều trẻ, nguồn thu nhập chưa cao, việc hỗ trợ này giảm bớt khó khăn cho xã hội nói chung, đặc biệt quan tâm đến những gia đình trẻ chưa có nguồn thu nhập ổn định".

Thảo luận tổ các nội dung trình tại Kỳ họp thứ mười chín, HĐND tỉnh
Đại biểu HĐND thảo luận tổ.

Quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các khoản chi khác cho người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, cũng là nội dung được quan tâm, thảo luận. Theo Tờ trình: Mỗi xóm, tổ dân phố sẽ thành lập một Tổ bảo vệ ANTT với số lượng thành viên từ 3-4 người, gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên. Tương ứng với mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng từ 1.050.000 đồng đến 1.350.000 đồng.

Ngoài ra, các ý kiến tập trung làm rõ căn cư, cơ sở pháp lý, tính khả thi trong thực tiễn đối với các nội dung Quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; quy định miễn thu một số khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.