Thanh Hóa: Sẽ tinh giản biên chế với giáo viên dạy Ngoại ngữ không đạt yêu cầu
Theo yêu cầu của tỉnh Thanh Hóa, đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng dạy học ngoại ngữ đạt mức khá so với mặt bằng chung cả nước.
Cụ thể, đến năm 2020, 100 % giáo viên đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) 6 bậc; giáo viên tiếng Anh Tiểu học, THCS đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2); giáo viên tiếng Anh THPT đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 (Cl).
Nhiều mô hình học tiếng Anh được các cơ sở giáo dục tại Thanh Hóa áp dụng trong thời gian qua |
Theo đó, số giáo viên không đạt yêu cầu nhưng không có khả năng đào tạo lại sẽ nghiên cứu bố trí công việc khác phù hợp hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Số giáo viên chưa đạt yêu cầu nhưng có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo KNLNN quy định đối với từng cấp học, Sở GD&ĐT có trách nhiệm tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung cho cán bộ, giáo viên nêu trên.
Sau thời gian tối đa 6 tháng (kể từ ngày Sở GD&ĐT công bố kết quả đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ theo KNLNN của toàn thể cán bộ, giáo viên ngoại ngữ theo đề án này) cán bộ, giáo viên phải nộp chứng chỉ đạt chuẩn trình độ, năng lực ngoại ngữ theo KNLNN quy định đối với từng cấp học về Sở GD&ĐT.
Việc thi và cấp chứng chỉ đạt chuẩn trình độ, năng lực ngoại ngữ theo KNLNN do Sở GD&ĐT mời (ký hợp đồng) các đơn vị có uy tín, chất lượng hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ để tổ chức thực hiện, đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công khai, minh bạch và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Đối với học sinh các cấp, 100 % đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ GD&ĐT: Học sinh lớp 5 cấp Tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 (Al); học sinh lớp 9 cấp THCS đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2); học sinh lớp 12 cấp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 (Bl)...
Để thực hiện đề án trên, tỉnh Thanh Hóa cũng giao nhiệm vụ về việc xây dựng kế hoạch tuyển mới giáo viên ngoại ngữ để bổ sung cho các cấp học theo hướng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và năng lực đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trước mắt, trong năm học 2018-2019, cần tuyển 249 giáo viên tiếng Anh còn thiếu ở các cấp học, trong đó: Cấp THPT: 39, cấp THCS: 33 và cấp Tiểu học: 177.
Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ các cấp học, bậc học là khảo sát, đánh giá chất lượng ngoại ngữ đầu vào (đối với học sinh vào lớp đầu cấp) đầu ra (đối với học sinh lớp 5 Tiểu học đạt trình độ bậc 1; lớp 9 THCS đạt trình độ bậc 2; lớp 12 THPT đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN).
Tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh 7 năm bắt đầu từ lớp 6 và 10 năm bắt đầu từ lớp 3.
Khuyến khích các trường học có nhu cầu và điều kiện thực hiện các chương trình song ngữ, xây dựng các chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường với thời lượng nhiều hơn và với trình độ năng lực ngoại ngữ cao hơn so với chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp học.
Đồng thời, tổ chức thi, khảo sát, kiểm tra, đánh giá quá trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho giáo viên; hàng năm tổ chức đánh giá phân loại giáo viên, đảm bảo thực chất, khách quan, công bằng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Xem kết quả học tập ngoại ngữ của học sinh trong từng học kỳ và cuối năm là tiêu chí quan trọng trong xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Có chính sách khen thưởng động viên nhân rộng điển hình những giáo viên, học sinh có kết quả dạy giỏi, học giỏi ngoại ngữ.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích những đơn vị giáo dục mầm non có đủ điều kiện và có nhu cầu được chủ động tiếp cận quá trình dạy học ngoại ngữ.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án nêu trên là gần 89 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tăng cường cơ sở vật chất là hơn 79 tỷ đồng; kinh phí khảo sát tổ chức thi cấp chứng chỉ cho giáo viên gần 9,9 tỷ đồng.
Cụ thể: Giai đoạn 1 từ năm 2019-2020 là hơn 30 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2021-2023 là hơn 36 tỷ đồng; giai đoạn 3 từ năm 2024-2025 là gần 22 tỷ đồng...
Tỉnh Thanh Hóa giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện đề án; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi toàn tỉnh hàng năm và cả giai đoạn.