Cô gái Tày và khát khao truyền cảm hứng học ngoại ngữ cho các bạn trẻ
P.V: Chào Ngọc Anh, tôi được biết bạn sinh ra và lớn lên ở Võ Nhai – một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Bạn có thể chia sẻ về quá trình vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập?
Ngọc Anh: Xin tự giới thiệu tôi tên là Ngọc Anh, hiện đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Tôi sinh ra tại Võ Nhai, một huyện miền núi phía Bắc tỉnh Thái Nguyên. Ở chỗ tôi khi đó, rất ít người cho con đi học tiếng Anh. Tuy nhiên, mẹ tôi thì khác. Mẹ quyết định cho tôi học tiếng Anh khi tôi học lớp 5. Đến năm tôi học lớp 6 thì mẹ cho tôi xuống thành phố học tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài. Vào thời điểm đó, tôi gặp rất nhiều khó khăn do khoảng cách xa xôi giữa Võ Nhai và Thái Nguyên. Cứ đến cuối tuần tôi lại phải bắt xe buýt mất 1 giờ rưỡi để đi xuống thành phố học, sau đó buổi chiều, tôi lại bắt xe về Võ Nhai. Thời gian đầu, điều đó khá mệt mỏi. Nhưng lớp học thì rất vui. Tôi đã học tập rất tốt. Sau đó thì tôi học hết cấp 2 tại trường Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Võ Nhai rồi xuống thành phố Thái Nguyên học cấp 3 tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thái Nguyên. Thời gian này tôi đã rất nỗ lực học tiếng Anh và kết quả là nhận được một học bổng du học toàn phần tại Canada. Thời điểm đó cũng đánh dấu giai đoạn khó khăn của gia đình tôi, cả về kinh tế, cả về tinh thần. Cũng cần nói thêm rằng, nhà tôi chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Trước khi tôi đi du học thì mẹ cũng cố gắng để lo cho tôi một cuộc sống đầy đủ, không thiếu gì so với bạn bè. Tuy nhiên khi đi du học tại Canada, mặc dù được học bổng toàn phần bao gồm học phí, ăn ở, đi lại, vé máy bay… nhưng mẹ vẫn phải bỏ ra khoảng 100 triệu mỗi năm để hỗ trợ thêm những chi phí ăn uống hoặc là đi thực tế… Lúc đó, tôi cảm thấy gánh nặng kinh tế thực sự đè nặng lên vai mẹ. Mẹ tôi làm giáo viên dạy ngữ văn nên thu nhập khá eo hẹp. Đến khi tôi đi du học thì mẹ phải đi dạy thêm rất nhiều. Có những ngày mẹ dạy từ 7h sáng ở trên trường đến 4h30 chiều thì xong. Sau đó, mẹ đi dạy tiếp từ 5h đến 9h30 tối mới về. Con gái ở bên kia rất là thương mẹ nên tôi cũng cố gắng tiết kiệm nhất có thể bởi thực tế là giá sinh hoạt phí rất đắt đỏ. Nhưng thực sự tôi vẫn là một gánh nặng cho mẹ. Rồi những lúc nghe tin mẹ ở nhà đi dạy nhiều bị ốm, có lần bị ngã cầu thang mà tôi không ở gần được nên tinh thần cũng cảm thấy nặng nề lắm. Tôi cũng thấy mình như là một gánh nặng về kinh tế cho mẹ vậy. Sau thời gian học tại Canada thì tôi không đậu một trường nào tại Mỹ theo như nguyện vọng nên tôi phải về nước và hứa với mẹ sẽ không đi du học nữa nhưng thực ra trong lòng vẫn nung nấu ý định đi tiếp. Hiểu được điều này, mẹ tôi có nói một câu mà tôi nhớ mãi đó là: “Điều quan trọng là con phải xây dựng được giá trị cho bản thân mình, có vậy người ta mới muốn đầu tư vào con”. Và tôi muốn chứng minh cho mẹ thấy tôi thực sự có giá trị, và chứng minh cho mọi người thấy tôi quay về nước không phải do tôi không có năng lực, mà là do lúc đó tôi chọn sai ngành. Từ động lực đó, tôi dồn tâm huyết vào và đến năm 2017, tôi được nhận vào 3 trường Đại học bên Mỹ. Nhưng mà vì rất thương mẹ, cộng với một số lý do khác nên tôi quyết định ở lại Việt Nam, theo học tại khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên.
Ngọc Anh chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn trong thời gian du học tại Canada. |
PV: Từ bỏ 3 trường Đại học bên Mỹ thực sự là một quyết định đáng tiếc. Có bao giờ bạn cảm thấy hối tiếc về quyết định này của mình không?
Ngọc Anh: Thực ra nếu hỏi tôi có tiếc không thì đúng là tôi có tiếc bởi vì cơ hội đi Mỹ thì không phải ai cũng có, nhất là khi đây là những gói học bổng toàn phần. Nhưng tôi không hối hận về quyết định này. Bởi vì tôi là con người của gia đình nhiều hơn. Tôi luôn đặt cảm xúc của người khác lên trước. Khi tôi thông báo với mẹ là tôi đỗ những trường này rồi thì tôi vẫn nghĩ chắc là mẹ sẽ không sao đâu, mẹ sẽ để mình đi thôi. Thế nhưng lúc đấy mẹ đã khóc. Bởi ngoài những gánh nặng về tinh thần vì mẹ biết là tôi đã đi 2 năm rồi, mới về được 1 năm, giờ lại đi 4 năm nữa thì còn có những gánh nặng về kinh tế. Nhà thì vẫn chỉ có 2 mẹ con, mẹ thì vẫn chỉ là giáo viên, còn tôi thì chưa làm ra đồng nào cả. Và mẹ cũng nói với tôi là mẹ rất tự hào về tôi, rất muốn tôi có thể thực hiện ước mơ du học, nhưng nếu mà tôi ở lại thì gia đình tôi sẽ đỡ vất vả hơn. Và lúc đó tôi đã nghĩ rằng: ước mơ của mình thì nó là của riêng mình còn cái gánh nặng thì là chung của cả nhà. Và tôi nghĩ thôi thì ở nhà với mẹ để bớt cho mẹ gánh nặng cả về vật chất và tinh thần. Thế nhưng bây giờ thì tôi nhận ra, quyết định ở lại khiến tôi yêu đời hơn; tôi thấy vui khi mình là người sống có trách nhiệm. Tôi luôn tâm niệm: nếu bạn thực sự tỏa sáng, bạn sẽ tỏa sáng ở bất cứ đâu; nếu bạn thực sự có tài năng, bạn biết bạn muốn gì thì bạn sẽ có đủ quyết tâm để thực hiện điều đó. Bất kể bạn ở đâu, trong môi trường nào, bạn vẫn có thể làm được những điều mà mình mong muốn. Chính vì vậy tôi quyết định ở đây, và theo học Đại học như tất cả các bạn trẻ Việt Nam ở cái tuổi đó. Tôi quyết định học ở Thái Nguyên, không đi Hà Nội. Tôi chọn Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên vì ở đó có ngành kinh tế học – một ngành mà tôi yêu thích. Ở đây cũng dạy học bằng tiếng Anh nên sẽ giúp tôi không mất đi kỹ năng tiếng Anh của mình.
PV: Đã từng học tại Canada rồi sau đó lại về học đại học trong nước, bạn đánh giá thế nào về môi trường giáo dục nước ngoài và ở Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng?
Ngọc Anh: Cả môi trường học tập tại Canada và Việt Nam đều có những thế mạnh riêng của mình. Theo tôi thì môi trường học tập tại Canada có tính thực hành cao hơn. Ở đó, học sinh tự làm các công việc của mình, thầy cô ít giảng lý thuyết. Chẳng hạn như khi viết bài luận hoặc báo cáo, bạn sẽ phải sử dụng kinh nghiệm của chính bản thân mình. Sẽ có rất ít những kiến thức được cung cấp bởi các nhà khoa học. Còn ở Việt Nam, chúng ta học rất nhiều lý thuyết, rồi phải học thuộc lòng. Đến khi viết bài luận hay báo cáo, chúng ta có rất nhiều nguồn tư liệu. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam thường không có kỹ năng thực tế phục vụ cho công việc sau này.
PV: Vậy bạn đã làm gì để khắc phục những hạn chế trong môi trường giáo dục của Việt Nam?
Ngọc Anh: Như chị biết đấy, tôi cố gắng xây dựng dự án cho riêng mình, tự mình kinh doanh. Tôi học về ngành kinh tế quốc tế, ngành học định hướng tôi trở thành một nhà kinh doanh. Chính vì vậy, tôi cố gắng thu lượm kinh nghiệm ngay từ khi còn là sinh viên. Điều này giúp tôi có được kinh nghiệm khi tham gia vào thị trường thực sự và hiểu được điều mà khách hàng mình cần.
Ngọc Anh nhận Chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế chuyên nghiệp TESOL. |
PV: Tôi rất tò mò về dự án khởi nghiệp của bạn mang tên Ginny House of IELTS. Xuất phát từ đâu mà bạn lại quyết định khởi nghiệp ngay khi còn là sinh viên? Mô hình hoạt động của Ginny House of IELTS như thế nào? Kết quả ban đầu mà dự án mang lại ra sao?
Ngọc Anh: Ginny House of IELTS có thể được coi như đứa con tinh thần của tôi. Dự án này tôi bắt đầu từ cách đây 3 năm. Thời điểm đó, mục đích ban đầu là để tôi có đủ điều kiện ứng tuyển vào chuyến đi vòng quanh thế giới, khởi hành từ Nhật Bản. Tôi muốn trở thành tình nguyện viên dạy tiếng Anh trên tàu. Họ có một yêu cầu là nếu bạn muốn trở thành tình nguyện viên dạy tiếng Anh, bạn phải có kinh nghiệm dạy tiếng Anh fulltime trong 18 tháng. Đó là lý do vì sao tôi mở Ginny House of IELTS. Tôi muốn có đủ điều kiện để tham gia vào chuyến đi vòng quanh thế giới. Tuy nhiên sau 18 tháng, tôi nhận ra rằng, mục đích ban đầu đưa tôi đến với việc dạy học này không còn quan trọng nữa. Tôi thực sự yêu thích việc giảng dạy tiếng Anh. Tôi thấy say mê khi được chia sẻ những kinh nghiệm của mình tới các bạn sinh viên, nhìn thấy ánh mắt của các bạn ấy sáng bừng lên khi học hỏi được những điều mới mẻ. Tôi cũng thấy ham mê công việc kinh doanh của mình, hiểu khách hàng của mình, họ cần gì, họ muốn gì. Và tôi tiếp tục công việc đến bây giờ, cũng được 3 năm rồi. Kết quả ban đầu khá tốt. Điểm IELTS trung bình của các bạn sinh viên là 6.0 trở lên. Với số điểm này, các bạn ấy có thể vào các trường Đại học tốt tại Việt Nam như Đại học Ngoại thương. Tôi cũng có một số sinh viên đã đi du học nhờ có điểm IELTS cao. Cũng có những bạn sinh viên của tôi đăng ký học bổng và 2 trong số họ đã được nhận học bổng du học toàn phần.
Ngọc Anh dành rất nhiều tâm huyết cho dự án khởi nghiệp Ginny House of IELTS. |
PV: Vậy còn dự án “12 giờ đột phá tiếng Anh” thì sao? Bạn có thể giới thiệu về lớp học này?
Ngọc Anh: Đây là một lớp học miễn phí. Tôi cũng đã triển khai lớp học này được 3 năm. Tôi đã gặp người đồng sáng lập “12 giờ đột phá” tại Hà Nội khi chúng tôi học chung một lớp học. Chúng tôi đều cùng đến từ Thái Nguyên. Đây là một lớp học diễn ra hàng năm, vào mùa hè, tháng 7 hoặc tháng 8.Chúng tôi sẽ tổ chức lớp học miễn phí cho các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn đến từ các huyện nhỏ như Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ… Các bạn ấy sẽ đến thành phố Thái Nguyên trong 3 hoặc 4 ngày. Tại đây, họ được học phát âm tiếng Anh chuẩn, làm sao để nói tiếng Anh được tự nhiên như người bản xứ.
PV: Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến IELTS. Và như tôi được biết thì bạn đã đạt điểm IELTS 8.0. Vậy bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho những người đang chuẩn bị bước vào kỳ thi IELTS được không?
Ngọc Anh: Khi tôi bắt đầu học tiếng Anh, cũng như đa phần các bạn khác, tôi học rất nhiều ngữ pháp mà không chú trọng đến nói và viết. Chính vì vậy tôi có lời khuyên cho các bạn mới học tiếng Anh đó là họ nên bắt đầu bằng phát âm. Đó là yếu tố tiên quyết để người ta có thể hiểu bạn muốn truyền đạt điều gì. Mục đích cuối cùng để học tiếng Anh đó là giao tiếp chứ không phải để viết bài luận. Sau phát âm thì tôi nghĩ sinh viên Việt Nam cần học ngữ pháp và thực ra chúng ta rất giỏi lĩnh vực này. Sinh viên Việt Nam dường như có năng khiếu học ngữ pháp. Các bạn cần học ngữ pháp để kết hợp trong giao tiếp và viết bài. Bên cạnh đó, các bạn ấy cũng cần chú trọng đến kỹ năng nghe, đọc và viết. Vì đọc và viết là 2 kỹ năng theo tôi là khó hơn so với nghe và nói. Và thường thi chúng ta hay đọc và viết kém hơn nghe và nói. Bản thân tôi nhận thấy mình rất chăm chỉ học tiếng Anh. Tôi có thể học tiếng Anh cả ngày, từ 6h sáng đến 6h tối. Tôi thấy khi bạn học ngoại ngữ, bạn cần đắm mình trong ngôn ngữ đó để hiểu nó. Bạn cũng có thể học qua những thứ bạn yêu thích. Tôi biết rất nhiều bạn học tiếng Anh qua Vlog, xem phim hoặc nghe nhạc. Thậm chí một số bạn nam thích video game, họ cũng có thể xem game streaming trên Internet. Họ sẽ được tiếp xúc với tiếng Anh. Sau khi các bạn ấy hiểu được các kiến thức căn bản của tiếng Anh, các bạn có thể tìm kiếm cơ hội để đi đến một đất nước nói tiếng Anh, đôi khi chỉ trong khoảng 1 hoặc 2 tháng. Tôi biết có rất nhiều chương trình ở Singapore, ở Philippines. Những quốc gia này rất gần với Việt Nam, chứ bạn không cần phải đến tận Canada. Và khi bạn thực sự đắm mình trong văn hóa, trong ngôn ngữ, bạn sẽ học ngôn ngữ đó tốt hơn.
PV: Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của Ngọc Anh. Hy vọng rằng bạn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ, tiếp thêm động lực cho họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, chinh phục những nấc thang ngoại ngữ, từng bước chạm tới ước mơ du học để mở rộng tầm hiểu biết, trở về cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.