Thái Nguyên: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng
Với tổng diện tích trên 3.400 ha, rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc nằm trên địa bàn 6 xã gồm: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Phúc Tân (Phổ Yên); Lục Ba, Tân Thái, Vạn Thọ (Đại Từ), trong đó: Rừng trồng phòng hộ là trên 2.800 ha, còn lại là rừng sản xuất. Nguồn vốn trồng rừng từ các chương trình dự án như: 327, 661 hạn hẹp, địa bàn quản lý rộng lại liên quan đến nhiều địa phương nên việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế của địa phương có rừng là hết sức khó khăn.
Cán bộ Kiểm lâm BQL Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho chủ rừng |
Đề cập về vấn đề trên, Ông Trịnh Văn Hùng – Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Lâm nghiệp xã Phúc Trìu TP Thái Nguyên cho biết: “Địa phương cũng cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc thường xuyên thực hiện tuyên truyền cho nhân dân trong công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, thực hiện cơ chế đồng quản lý; cùng với đó Ban Lâm nghiệp Phúc Trìu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc cũng thực hiện cơ chế giao khoán cho từng hộ gia đình, cá nhân trồng rừng chăm sóc và bảo vệ. Trên cơ sở đó người dân cũng có được hưởng lợi từ rừng, chuyên tâm vào nghề rừng, trồng rừng, khai thác và bảo vệ…”.
Những năm gần đây, việc phát triển kinh tế rừng có nhiều thuận lợi do giá lâm sản lên cao, kỹ thuật và điều kiện canh tác tốt. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Thái Nguyên cũng đang gặp không ít khó khăn từ việc nhận thức về bảo vệ rừng của một bộ phận người dân sống gần rừng còn thấp; hiện tượng lợi dụng rừng sản xuất để khai thác chồng lấn vào rừng tự nhiên, rừng phòng hộ vẫn còn ở một số địa phương; số ít kiểm lâm địa bàn chưa thể hiện được vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chưa nắm bắt kịp thời tình hình vi phạm trên địa bàn phụ trách. Vì vậy, công tác tập huấn, tuyên truyền đang được ngành Kiểm lâm Thái nguyên tăng cường thực hiện.
Nêu về thực trạng trên, ông Phạm Trần Khánh – Hạt Phó Hạt kiểm lâm TP Thái Nguyên nói :“Từ đầu năm 2017 đến nay, các vụ vi phạm bị bắt giữ, người vi phạm pháp luật Bảo vệ rừng tại địa phương trên địa bàn TP Thái Nguyên đã giảm gần như không còn. Trong thời gian khoảng 10 năm gần đây, trên địa bàn TP Thái Nguyên không có một vụ cháy rừng nào xảy ra. Để có được kết quả này, bên cạnh việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho chính các chủ rừng thì công tác phối kết hợp bảo vệ rừng cũng thường xuyên được tăng cường giữa các đơn vị liên quan”.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành, trong đó lực lượng Hạt Kiểm lâm làm nòng cốt để thường xuyên kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng như ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng…
Dự báo quý 4/2017 thời tiết hanh khô dễ dẫn đến cháy rừng, hiện tại, các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn đang tích cực chủ động nắm sát tình hình, đề phòng tình mọi tình huống phức tạp….
Cán bộ kiểm lâm Thái Nguyên thực địa lên phương án bảo vệ rừng |
Ông Nguyễn Hoài
Ông Nguyễn Hoài Nam – Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên |
Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên, với trên 350.000ha đất tự nhiên, diện tích che phủ hiện nay đạt gần 53%, trong đó diện tích rừng tự nhiên còn trên 76.000ha. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương người dân còn sinh sống trong rừng lõi hoặc liền kề với rừng phòng hộ, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, xoá đói giảm nghèo còn hạn chế, cơ chế hưởng lợi từ rừng chưa đảm bảo cuộc sống cho người dân nên chưa thúc đẩy được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Từ nay cho tới cuối năm 2017, Lực lượng kiểm lâm Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành rà soát, quy hoạch lại các loại rừng phấn đấu cơ bản hoàn thành để người trồng rừng yên tâm sản xuất. Cùng với đó ngành Kiểm lâm cũng tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi và chủ động trong kế hoạch trồng mới rừng 2018./.