Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng trên 3.435 ha rừng tập trung bao gồm hơn 245 ha rừng phòng hộ và gần 3.200 ha rừng sản xuất; Phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, vật tư nông nghiệp và phát dọn thực bì để phục vụ trồng rừng mới.

Thái Nguyên: Để những cánh rừng thêm xanh
Công tác ươm các giống cây trồng rừng được quan tâm chú trọng

Bà Nguyễn Thị Mến,Chủ vườn ươm xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Khi mà nguồn gốc xuất xứ đảm bảo thì bà con trồng hiệu quả kinh tế cũng cao và ổn định"

Quan điểm về phát triển kinh tế từ rừng đã có sự thay đổi hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số cá nhân, đơn vị đi tiên phong trong việc chuyển đổi từ rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn dài ngày. Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Ông Đoàn Xuân Trường, xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên phấn khởi chia sẻ: "Trồng cây gỗ lớn thì lợi nhuận được cao hơn, kinh tế bền vững hơn hơn rừng gỗ nhỏ"

Thái Nguyên cũng lần đầu tiên được Hiệp hội Quản trị rừng quốc tế cấp Chứng chỉ rừng bền vững FSC cho hơn 1.300 ha rừng tại xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ, đạt trên 95,1% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, không bón phân hóa học, không đốt thực bì…

Thái Nguyên: Để những cánh rừng thêm xanh
Người dân phát dọn thực bì, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không đốt gây nguy cơ cháy rừng

Ông Nguyễn Văn Hiền,Chủ tịch UBND xã Văn Hán, Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi phải tổ chức rất nhiều cuộc tuyên truyền cho người dân thì đến bây giờ chúng tôi đã có được 1300ha, khi được cấp chứng chỉ rồi thì chắc chắn quyền lợi về kinh tế cho người dân sẽ khác đi, hiệu quả về môi trường sẽ tốt hơn"

Chị Nguyễn Thị Loan, Phó Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết thêm: "Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện là xác nhận số diện tích và số hộ mà đã đăng ký tham gia cấp chứng chỉ FSC, đồng thời triển khai đến địa bàn các xã để phủ rộng trên địa bàn toàn huyện"

Điểm nhấn đáng chú ý trong sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua là việc tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, kiểm kê, điều tra rừng; phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của rừng để phát triển du lịch sinh thái… Từ năm 2021 đến nay, số lượng cây xanh được cập nhật lên phần mềm Thai Nguyen Smart Trees là gần 6,3 triệu cây.

Thái Nguyên: Để những cánh rừng thêm xanh
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, kiểm kê, điều tra rừng

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết: "Lực lượng kiểm lâm Thái Nguyên chúng tôi, với chức năng nhiệm vụ của mình chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh trên 46 % theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh"

Với những chuyển biến tích cực này, lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang tích thêm nội lực để tiếp tục phát triển bền vững hơn, giữ một màu xanh bình yên cho vùng núi non Việt Bắc.