Tàu cá đóng theo Nghi định 67 ở Khánh Hòa “vướng” bảo hiểm
Từ nhiều tháng qua, tại tỉnh Khánh Hòa, rất nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ vẫn chưa được hỗ trợ mua bảo hiểm thân vỏ tàu theo quy định. Không được hỗ trợ, nhiều ngư dân khó khăn trong việc mua bảo hiểm cho tàu cá.
Gặp nhiều vướng mắc nên nhiều “tàu 67” Khánh Hòa vẫn chưa thể triển khai (Ảnh: nongnghiep.vn) |
Ông Trần Văn Đạt, chủ tàu KH-92179TS ở khu dân cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, cuối năm 2016, con tàu vỏ composite của gia đình ông trị giá 11 tỷ đồng được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đến nay, chiếc tàu này vẫn chưa được hỗ trợ để mua bảo hiểm thân tàu, vỏ tàu theo quy định.
Ông Trần Văn Đạt đã nhiều lần liên hệ với các đơn vị bán bảo hiểm nhưng đều nhận được câu trả lời là chính sách hỗ trợ bảo hiểm đã hết từ cuối năm 2016. Không có bảo hiểm, con tàu không được phép ra khơi. Chi phí mỗi chuyến biển ngoài tiền dầu, tiền đá cây, tiền chia cho bạn… nay lại phải gánh thêm chi phí bảo hiểm, ông Đạt gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên. Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ 70-90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư cụ trên mỗi tàu.
Khi quy định này hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện. Thế nhưng, hiện nhiều chủ tàu cá tại tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa được hỗ trợ để mua bảo hiểm.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hầu hết các tàu cá xa bờ đều hoạt động tại các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro, cần được nhà nước hỗ trợ.
"Nhiều ngư dân không có tiền mua bảo hiểm đành đậu tàu ở bờ, kéo theo 7-8 gia đình của thủy thủ đoàn đi trên tàu, theo hệ lụy đó. Con tàu này rất lớn, ngư dân vay thì ngư dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ra khơi có rất nhiều rủi ro, không có bảo hiểm ngư dân không dám mạnh dạn ra khơi, lấy tiền đâu trả nợ cho ngân hàng?", ông Mai Thành Phúc chia sẻ.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với các chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 là chính sách bảo hiểm đã hết hiệu lực. Trong khi đó, các ngân hàng yêu cầu phải có bảo hiểm để bảo đảm an toàn khoản vay.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Tài chính tìm cách tháo gỡ, đề nghị các đơn vị bảo hiểm tiếp tục triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ.
Ông Tám cho biết, khó khăn, vướng mắc này sẽ được giải quyết. Tới đây, tổng kết Nghị định 67, cần đề xuất những chính sách phù hợp hơn. Trong đó, chính sách bảo hiểm sẽ tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất./.