Tạo điều kiện để văn nghệ sĩ Thái Nguyên cống hiến và sáng tạo trong thời kỳ mới
Nền Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên có một truyền thống sáng tác được kế thừa từ cái nôi nghệ thuật Việt Bắc. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã được tạo điều kiện thuận lợi để sáng tạo, mang tâm huyết và trách nhiệm đóng góp vào đời sống văn học nghệ thuật đương đại, tạo những dấu ấn khá nổi bật qua nhiều tác phẩm có giá trị, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ đa dạng của Nhân dân.
Nền Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên được kế thừa từ cái nôi nghệ thuật Việt Bắc |
Cũng theo nghị quyết 23 thì “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Tuy nhiên, khi xác định rất quan trọng, đặc biệt tinh tế, vấn đề quan tâm đầu tư thường xuyên, dài hơi cho văn học nghệ thuật là việc phải làm, cấp uỷ, chính quyền phải quan tâm đầu tiên thì vẫn còn khá nhiều vấn đề cần đặt ra. Đây cũng là nội dung được quan tâm trong chương trình tọa đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23” - một hoạt động tiền kỳ trước khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức tổng kết cả quá trình thực hiện.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trăn trở chia sẻ: "Chúng tôi vẫn thấy rằng có rất nhiều đề tài về đời sống, lịch sử, công cuộc đổi mới, hội nhập của Thái Nguyên trên mọi lĩnh vực mà văn học nghệ thuật vẫn chưa chạm vào được. Chúng tôi rất là trăn trở về điều đó. Chúng ta rất thiếu những điều kiện để quảng bá, nghệ thuật tạo hình, thị giác không có không gian để trưng bày quảng bá, giới thiệu, để công chúng được thưởng lãm, chúng ta cũng thiếu nỗ lực để bảo vệ những di sản sống, đó là những nghệ nhân, nghệ sĩ, những người có cống hiến lâu năm"
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hóa, Thái Nguyên cũng cho biết: "Một số địa phương hiện nay chưa thực sự vào cuộc với văn học nghệ thuật, coi văn học nghệ thuật là sân chơi, chứ không phải là tổ chức chính trị nghề nghiệp. Đồng thời có 1 vài hội viên khi tham gia hội có tư tưởng đòi hỏi quyền lợi"
Văn học Nghệ thuật phải bám sát mọi đề tài, lĩnh vực, chạm đến cảm xúc của khán giả |
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết thêm: "Chúng tôi đổi mới về phương pháp hoạt động chuyên môn trong đó trước hết là chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển đội ngũ văn học nghệ thuật quần chúng, Đổi mới tiếp theo của chúng tôi là xã hội hóa công tác hội"
Nhà thơ Phạm Văn Vũ, Chi hội Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên: "Chúng ta có thể tính đến những việc làm mang tính dài hơi ví dụ mở những khóa đào tạo tùy theo lứa tuổi để việc đến với văn học nghệ thuật của các bạn trẻ không phải là một cuộc dạo chơi trong một thời điểm mà là một hành trình lâu bền. Đồng thời chúng ta cũng có thể nghĩ đến việc có cơ chế phối hợp giữa hội Văn học Nghệ thuật và ngành Giáo dục Đào tạo"
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên mong muốn: "Nhu cầu của công chúng ngày càng cao, sự phát triển của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, đó là thách thức để các văn nghệ sĩ phải luôn làm mới mình để đồng hành được với đời sống"
Hiện nay, văn học nghệ thuật không còn chỉ là việc của ngành văn hoá, lĩnh vực văn hoá văn nghệ mà của tất cả các ngành kinh tế tổng hợp. Thái Nguyên là trung tâm vùng Việt Bắc, cho nên phát triển văn học, nghệ thuật muốn có thay đổi, phải mạnh dạn đột phá, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Từ đó, góp phần xây dựng phẩm chất, cốt cách của con người Thái Nguyên, biến văn học, nghệ thuật thành sức mạnh nội sinh, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.