Tăng trưởng xuất khẩu: Điểm sáng, không phụ thuộc khai thác tài nguyên
Sự kiện kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD năm 2017, trong đó, xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng 200 triệu USD là những con số ấn tượng được Tổng cục Hải quan công bố mới đây. Điều này cho thấy, xuất khẩu đã thực sự trở thành điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2017.
Thị trường xuất khẩu mở rộng từ các FTA
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, bức tranh sáng của nền kinh tế Việt Nam trong gần cả năm qua là tăng trưởng xuất khẩu, không chỉ bởi con số khoảng 200 tỷ USD. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ấn tượng bởi sự thành công của Việt Nam với sự kiện APEC và các thương vụ được ký kết trực tiếp khoảng 20 tỷ USD ngay trong tuần lễ cấp cao APEC 2017.
“Ấn tượng kinh tế năm nay là xuất khẩu, thể hiện ở việc không chỉ đạt được mức tăng trưởng vượt rất xa so với mục tiêu 10% để đạt 21% mà đằng sau con số ấy còn có hai điểm nhấn. Một là sự vươn lên của khu vực doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu; hai là tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là một số loại thủy sản, rau quả”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ.
Xuất khẩu rau củ quả qua chế biến gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Cụ thể hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ ghi nhận, nhóm hàng nông nghiệp công nghệ cao như một điểm nhấn thành công bước đầu của tái cơ cấu nông nghiệp. Điểm nhấn này đang có xu hướng dẫn dắt nền kinh tế chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp xanh, tăng trưởng sạch.
“Khu vực nông nghiệp năm qua tăng trường với sự bứt phá ngoạn mục hơn hẳn 2016 cho dù thiên tai và biến đổi khí hậu. Đã có sự chuyển đổi mạnh từ mô hình sản xuất lúa sang tôm, đã có sự kết nối giữa người nông dân với doanh nghiệp trong nâng cao năng lực chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu”, TS. Lưu Bích Hồ khẳng định.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ vị trí 50 lên vị trí 26 trong 10 năm qua. Việt Nam đã tranh thủ khá tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia.
Tăng trưởng xuất khẩu cũng đã được TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đánh giá cao. Theo TS. Lương Văn Khôi, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã bớt phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng. Trong xuất khẩu, việc mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài phát triển mạnh thông qua các Hiệp định FTA.
Đánh giá xuất khẩu năm nay là một lĩnh vực đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh Việt Nam có sự điều chỉnh giảm xuất khẩu về tài nguyên, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét, chất lượng của tăng trưởng xuất khẩu, trong đó ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 7 tỷ USD đã cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng khi đầu tư vào nông nghiệp và coi trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Xuất khẩu dịch vụ cần được coi là điểm đột phá
Nhìn vào cán cân thương mại hàng hóa của cả nước, mặc dù đạt mức thặng dư cao nhất kể từ trước đến nay với 3,17 tỷ USD, nhưng mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi khối doanh nghiệp FDI thặng dư hơn 23,8 tỷ USD, nhưng khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước lại thâm hụt tới 20,67 tỷ USD.
TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra những điểm yếu cần lưu ý để xuất khẩu tăng trưởng bền vững hơn. Cụ thể là cần phân tích sâu vào cơ cấu của xuất khẩu để cải thiện xuất siêu, giảm nhập siêu, cần chú ý việc Việt Nam quay trở lại xuất siêu về hàng hóa nhưng dịch vụ vẫn phải nhập siêu.
“Để cải thiện cơ cấu xuất, nhập khẩu, Việt Nam cần phải gia tăng phát triển các dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic để chuyển sang xuất siêu về dịch vụ. Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang thị trường Mỹ nhưng vẫn nhập siêu từ Mỹ về dịch vụ, vì thế cần phải coi dịch vụ là điểm đột phá, là nơi Việt Nam có sở trường để phát triển và cải thiện cơ cấu xuất khẩu”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do Việt Nam chưa tận dụng được nguồn vốn FDI để liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Do vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra hàng hóa xuất khẩu, thông qua việc tham gia vào các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới, qua đó vừa cải thiện cơ cấu kinh tế, vừa cải thiện cơ cấu xuất khẩu và có được thị trường vững chắc./.