Tham quan khu TGSX của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 434 chúng tôi cảm nhận được việc quy hoạch, bố trí từng khu vực trồng trọt, chăn nuôi khá quy củ, hợp lý. Phía ngoài là hệ thống giàn bầu, bí, đậu đũa; bên trong là các luống rau xanh đủ loại, gieo trồng theo mùa, có lưới che phủ để chống côn trùng và hạn chế tác hại của thời tiết. Gần đó là ao rau muống nước, phía dưới thả cá theo 3 tầng: Loại ăn nổi, loại ở tầng giữa và loại cá sống ở tầng đáy. Xung quanh bờ ao được tận dụng trồng đu đủ, chuối. Trong khuôn viên doanh trại, đơn vị tổ chức trồng xoài, mít, vú sữa vừa lấy bóng mát, vừa lấy quả phục vụ bữa ăn của bộ đội. Hệ thống chuồng chăn nuôi xây dựng gần ao cá tạo thành quy trình khép kín, thích hợp với điều kiện diện tích đất chật hẹp. Trung tá Lê Hùng Mạnh, Chủ nhiệm Hậu cần lữ đoàn cho biết: “Để có được vườn rau, củ, quả như hiện nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã phải đổ nhiều mồ hôi, công sức đào bỏ lớp sỏi đá phía trên; san gò, lấp chỗ trũng, lấy đất màu ở khu vực thao trường về trộn với trấu, xơ dừa để cải tạo đất phục vụ trồng trọt. Với tinh thần tự lực, tự cường, đơn vị đã nghiên cứu quy hoạch hợp lý, đồng lòng vượt khó để nâng cao chất lượng bữa ăn”.

tang gia san xuat sang tao hop ly
Chỉ huy Lữ đoàn 434 kiểm tra công tác tăng gia sản xuất của đơn vị.

Do đặc điểm đất pha cát, mùa nắng thì cứng, mùa mưa thì nhão không thuận lợi cho TGSX, nên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 434 phải tính toán, lựa chọn cây giống và phương pháp gieo trồng thích hợp. “Cái khó ló cái khôn”, những nơi đất pha cát quá nhiều, bộ đội trộn thêm mùn, cỏ khô, tăng đất màu để hạn chế độ cứng và chống nhão. Ở ao nuôi cá, bộ đội dùng chai nhựa buộc lại thành bè để trồng rau muống nước, vừa sạch ao, vừa che mát cho cá thay vì thả bèo tây, bèo tấm. Dưới những giàn bầu, bí được tận dụng trồng một số loại rau, cây gia vị cần ít ánh sáng, như: Mồng tơi, cải xanh, hành lá, tía tô, bạc hà… Với cách làm này, các vườn tăng gia của lữ đoàn vẫn tươi tốt ngay cả trong mùa mưa và không bị thiếu nước tưới trong mùa khô.

Trong chăn nuôi, ngành hậu cần lữ đoàn đã triển khai nuôi lợn theo chu trình khép kín, tập trung chăm sóc lợn nái sinh sản để lấy giống nhân rộng nuôi theo đàn lấy thịt. Đơn vị phấn đấu không phải mua lợn giống từ bên ngoài, hạn chế được dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng hầm biogas chế tạo từ vật liệu composit, sử dụng khí biogas để đun nấu; nước thải để tưới rau mang lại hiệu quả kinh tế cao và khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo Đại tá Trần Anh Hiểu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 434, đơn vị đóng quân trên địa bàn dân cư đông, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm nên công tác phòng ngừa phải được thực hiện chặt chẽ. Lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo ngành hậu cần chủ động liên hệ với bộ phận thú y địa phương để nắm thông tin, tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, tẩy trùng ở những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm. Do vậy, từ nhiều năm nay, đơn vị không xảy ra dịch bệnh, giữ gìn môi trường trong lành, sạch sẽ.

Công tác chế biến thực phẩm cũng được Lữ đoàn 434 thực hiện nền nếp, giết mổ tập trung, cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm chủ yếu cho các bộ phận. Ngành hậu cần tự ủ giá đỗ, làm đậu, làm giò chả, muối dưa… vừa bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, vừa giảm giá thành khoảng 20% so với thị trường, góp phần tích cực cải thiện chất lượng bữa ăn của bộ đội…

Từ những biện pháp sáng tạo, hiệu quả cùng ý chí khắc phục khó khăn, công tác hậu cần của Lữ đoàn 434 đã đạt được những kết quả thiết thực, thu lãi từ tăng gia, chăn nuôi, chế biến thực phẩm đưa vào cải thiện đời sống bộ đội hơn 1 triệu đồng/người/năm, đơn vị luôn bảo đảm hơn 99,5% quân số khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.