tang gia dich vu y te con nhieu vuong mac

Người dân không tham gia BHYT sẽ “vất vả”

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, TP nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Cụ thể thực hiện mức giá có tiền lương tại Thông tư 37 phải chia làm 5 đợt, thời điểm thực hiện mức giá có tiền lương của Thông tư 02 chia làm 6 đợt. Theo Bộ Y tế này, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã có hiệu quả.

“Đối với người bệnh, có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn do Bộ Y tế quy định, chất lượng sẽ tăng, người bệnh sẽ được hưởng. Người có thẻ BHYT là có lợi nhất và ít bị ảnh hưởng vì quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên, giảm phiền hà vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư do trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do BHYT không thanh toán.

Thứ nữa, các bệnh viện tuyến dưới sẽ thực hiện nhiều dịch vụ mà trước đây giá thấp, không đủ chi phí nên không thực hiện được, góp phần làm tăng trình độ chuyên môn, chất lượng KCB tuyến dưới, giảm quá tải tuyến trên, người bệnh được hưởng các dịch vụ ngay tại nơi cư trú và được thanh toán”- ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết.

Tuy nhiên, đối với số người chưa có thẻ BHYT, chi phí cho khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi ra là rất lớn. Một chuyên gia y tế cho rằng: Với việc tăng giá dịch vụ y tế, người dân không tham gia BHYT sẽ phải rất vất vả để cáng đáng các khoản chi cho y tế.

Theo ông Liên, đối với cơ sở y tế, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của các dịch vụ y tế, thúc đẩy xã hội hóa, bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư. Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt hơn thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Còn đối với Nhà nước, từng bước thực hiện được việc chuyển cấp ngân sách cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng không bao cấp qua giá”.

Ông Liên cho biết: Thông tư 37, Thông tư 02 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ; góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; làm giảm số người hưởng lương từ NSNN, chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 22.613 người của 20 bệnh viện, tiền lương phải chi khoảng 1.881,1 tỉ đồng/năm; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện, TPHCM giảm khoảng 1.200 tỉ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỉ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỉ đồng, Bình Định khoảng 110 tỉ đồng...

Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội. Từng bước giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn vướng mắc cũng nảy sinh trong quá trình thực hiện thông tư này. Do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và BHXH VN, Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn gồm các công văn 824, công văn 1044, công văn 7117, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện.

“Hiểu chưa đúng về định mức tính giá, không phải là định mức tối đa để thực hiện các hoạt động chuyên môn; chỉ có 1 giá áp dụng cho các hạng bệnh viện, từ T.Ư đến địa phương nên phù hợp với đơn này thì chưa phù hợp với đơn vị kia... Giám định chưa đáp ứng yêu cầu; hay giá ban hành từ 2011, 2017 nhưng nhiều chi phí vẫn tính theo giá, cơ chế từ 2011, 2012 khi xây dựng Thông tư 04, chưa đủ chi phí nhưng có định mức lại cao hơn so với thực tế, BHXH chỉ có ý kiến về các định mức cao...

Định mức nhân lực theo thực tế chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa tính chi phí quản lý, chưa tính khấu hao nên khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư; vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư”- đại diện Vụ Kế hoạch tài chính thừa nhận.

Từ 1.7.2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá KCB, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000đ), và chi phí quản lý.

Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000đ là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Về tác động đến Quỹ BHYT: Sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm theo Bộ Y tế, dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỉ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân cơ bản gây bội chi quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB...