Tăng cường phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau mưa lũ
Gia đình ông Tạ Quang Hải tập trung phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh. |
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, bảo đảm an toàn môi trường chăn nuôi, ngay sau khi nước lũ rút, gia đình ông Tạ Quang Hải ở phường Nam Tiến, TP Phổ Yên đã tập trung thu gom toàn bộ bùn đất, chất thải, rác thải, quét dọn tại khu vực chuồng nuôi và khu vực tiếp giáp xung quanh. Sau đó, tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh.
Ông Tạ Quang Hải cho biết: "Trong vòng 3 ngày gia đình tôi cơ bản xử lý xong khu chuồng trại, theo sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn về phòng chống dịch sau lũ tôi cũng đã làm tốt và hiện nay đã di chuyển được một đàn vật nuôi về, và đang tiếp tục di chuyển đàn nữa về chuồng trại".
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành nông nghiệp các địa phương đã khẩn trương thống kê thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm; cấp phát hóa chất dự phòng cho các hộ dân để tiến hành phun khử trùng tiêu độc. Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 95.000 con trâu bò; 600.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm. Sau khi lũ rút, Chi cục chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh đã triển khai kế hoạch và có các giải pháp cụ thể hỗ trợ người chăn nuôi trong việc khôi phục sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: "Ngay sau khi nước rút chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn tổng vệ sinh truồng trại, môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện, cấp vôi bột và hóa chất để bà con tiến hành phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chợ buôn bán gia súc gia cầm hay các điểm có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh".
Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh triển khai giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục sản xuất. |
Ngoài các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm sau mưa lũ, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học. Đây là được xem giải pháp phòng bệnh hiệu quả và quan trọng nhất.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản Thái Nguyên thông tin: "Sau cơn bão chúng tôi thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của Chi cục, theo đó chúng tôi đã thực hiện cấp 5000 lít thuốc sát trùng để thực hiện khử trùng tiêu độc trong tháng 10 tới".
Người nuôi cần theo dõi tình hình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng và ứng phó trong các tình huống, đặc biệt, không mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiêm vắc xin đầy đủ, đảm bảo nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để kiểm tra xử lý triệt để tránh lây lan dịch bệnh./.