Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Các nhà hàng chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhà hàng Thanh Hằng 36 món ở xóm Tân Thành, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa có diện tích 400m2, thiết kế, bố trí khu vực chế biến hợp lý, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, cách biệt với nguồn ô nhiễm; trong đó nhà hàng dành riêng 30m2 để sơ chế thực phẩm và 30m2 cho khu chế biến thức ăn chín; luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trang bị đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình chế biến, phục vụ, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, nhà hàng có nguồn cung ứng nguyên liệu chế biến thực phẩm rõ ràng, an toàn.

Chị Lê Thị Dịu, Chủ nhà hàng Thanh Hằng 36 món chia sẻ: "Chúng tôi có khu chế biến thực phẩm sống, thực phẩm chín riêng biệt. Hàng năm, chúng tôi được tham gia lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm; cho nhân viên khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, lựa chọn những thực phẩm tươi ngon nhất, luôn đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ".

Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn bán trú trong nhà trường cũng là một trong những hoạt động đang được các trường học trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn bán trú trong nhà trường cũng là một trong những hoạt động đang được các trường học trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện, mục tiêu là đảm bảo cho học sinh có sức khoẻ tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực. Theo đánh giá, 100% trường có tổ chức bếp ăn bán trú đều đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; thực hiện công khai thực đơn, thực phẩm, đơn giá hằng ngày; lưu mẫu thức ăn, cập nhật ghi chép đầy đủ thông tin hằng ngày lên phần mềm liên thông 3 cấp đúng, đủ. Thực hiện kiểm thực 3 bước đúng theo quy định, các cô nuôi cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định an toàn thực phẩm.

Cô giáo Trần Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường mầm non Chợ Chu cho hay: "Nhà trường đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm, về cơ sở vật chất phải đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho bếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về con người, nhà trường có 10 cô nuôi đều được tập huấn về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ Ban Giám hiệu, người phụ trách cho đến các cô nuôi được tập huấn kiến thức hàng năm. Nhà trường đảm bảo thực hiện quy trình bếp ăn 1 chiều; vệ sinh cá nhân, thực phẩm sạch. Đồng thời thực hiện công tác kiểm thực 3 bước; lựa chọn những nơi cung cấp thực phẩm rõ nguồn gốc".

Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 691 cơ sở thực phẩm, trong đó có 43 cơ sở sản xuất, chế biến; 243 cơ sở dịch vụ ăn uống và 310 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 95 cơ sở thức ăn đường phố. Để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, vì lợi ích, sức khoẻ người dân, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm một số loại thức ăn chín, ăn ngay phổ biến có nguy cơ cao. Từ đó, đưa ra giải pháp cảnh báo cho cộng đồng nếu mẫu thực phẩm không đạt. Trong năm 2020, đội kiểm tra liên ngành 389 của huyện đã kiểm tra 585 cơ sở kinh doanh, trong đó, số cơ sở thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm là 429 cơ sở, đạt 73,3%. Trong năm, trên địa bàn huyện không có cơ sở vi phạm nghiêm trọng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không có ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra.

Đồng chí Đặng Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa thông tin thêm: "Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh đối với những cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm vi phạm, nhất là công tác quản lý thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn; không để hàng kém chất lượng đến với người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu".

Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì ý thức của người tiêu dùng và lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến chính là điều kiện tiên quyết, là cái gốc để loại bỏ thực phẩm bẩn, mang lại cuộc sống an toàn và sức khỏe cho mỗi người. Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Định Hóa đã chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, những năm qua, trên địa bàn huyện không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cũng được kiểm soát kịp thời./.