Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Nhiều hộ dân tham gia dự án và được hỗ trợ xây dựng bể bioga để xử lý môi trường trong chăn nuôi |
Với quy mô chăn nuôi 1 con lợn nái và 15 con lợn bột, lượng chất thải xả ra rất lớn, trước đây, gia đình ông Lưu Văn Giang, xóm Đò, Xã Nga My, huyện Phú Bình chỉ sử dụng bón cây, bón ruộng nhưng không hết, xả tràn ra vườn nên rất ô nhiễm, từ khi được hỗ trợ xây dựng bể biogas, gia đình ông đã thấy môi trường được cải thiện rõ rệt. Ông Lưu Văn Giang cho biết: "Lợi ích là vệ sinh môi trường mình chăn nuôi không vất vả, không phải gánh phân như trước, mùi hôi thối được giảm nhiều. Qua xử lý rất vệ sinh sạch sẽ, tiết kiệm được nguyên liệu và có được ga để nấu".
Cũng là một trong những hộ dân tham gia dự án và được hỗ trợ xây dựng bể bioga để xử lý môi trường trong chăn nuôi, gia đình ông Ngô Văn Lượng, xóm Đò, Xã Nga My, huyện Phú Bình thường xuyên nuôi với 1 con bò và hơn chục con lợn. Từ khi được hỗ trợ xây dựng và đi vào sử dụng bể biogas, gia đình ông đã thấy được lợi ích đem lại về môi trường hơn sự mong đợi.
Ông Ngô Văn Lượng, xóm Đò, xã Nga My, huyện Phú Bình: "Từ khi có bình biogas tôi đã trực tiếp xả nước xuống thẳng bình, môi trường thân thiện, sạch xanh, không có mùi khí thoát ra ngoài môi trường, và thứ hai là nước thải được được xử lý khi mà mình xử lý nó không bị ô nhiễm".
Để đông đảo người dân biết đến công nghệ khí sinh học và những tiện ích của nó, thời gian qua cơ quan chuyên môn, các hội đoàn thể đã phối hợp với các địa phương… tổ chức tuyên truyền, vận động, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng, sử dụng bể Biogas.
Tiến sĩ Trần Hải Đăng, Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: "Trong chăn nuôi đặc biệt mùi hôi chuồng trại cũng như là xử lý chất thải, nước thải, chất thải rắn trong chăn nuôi để làm sao sau khi xử lý được thì tất cả các chất thải đó được thải ra theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp đối với các hộ nông dân đang hiện sử dụng hiện nay".
Tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trên 60 lớp tập huấn tại các huyện, các xã để tập huấn cho người dân nắm được việc chăn nuôi cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh |
Bên cạnh việc quan tâm xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, trang trại gà thịt của gia đình chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh, xóm An Bình, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ đi vào hoạt động từ năm 2017 với quy mô trên 10.000 mỗi lứa nuôi. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, thoáng mát, hệ thống thông khí đồng bộ, trang trại gia đình nhà chị Linh cũng chú trọng đến việc xử lý chất thải chăn nuôi đặc biệt là phân gà. Với quy mô chăn nuôi lớn nên mỗi một ngày lượng phân gà thải ra rất lớn, nếu không có giải pháp xử lý thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu cũng như được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, gia đình chị đã quyết định tham gia và ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý phân gà tại trang trại. Đệm lót sinh học là hỗn hợp gồm chất độn chuồng như trấu và vi sinh vật được dùng lót trên nền chuồng. Hoạt động của vi sinh vật giúp phân giải nước tiểu, phân. Qua quá trình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi của gia đình chị Linh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là việc giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, mùi hôi cho các hộ xung quanh.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, xóm An Bình, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ: "Cái nền chuồng khô ráo hơn, cái mùi của chất thải của gà dã giảm đi nhiều, nồng độ amoniac trong phân gà giảm xuống, cái đệm lót tơi xốp rất là tốt cho quá trình phát triển của con gà".
Thái Nguyên hiện có gần 1.200 trang trại và hàng chục nghìn nông hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo đanh giá, hiện nay công tác quản lý kiểm soát chất thải trong chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ và vừa tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững và từng bước đem lại môi trường trong lành cho khu vực nông thôn, miền núi.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên: "Trên 60 lớp tập huấn tại các huyện, các xã để tập huấn cho người dân nắm được việc chăn nuôi trên địa bàn cũng như là việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh và Việt gáp, tiêu chuẩn về môi trường như thế nào để cho người dân nắm được và thực hiện theo. Thứ hai là Chi cục thực hiện áp dụng việc hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi quy mô hộ nông hộ quy mô vừa để thực hiện hỗ trợ về đệm lót sinh học, hỗ trợ về thực hiện tiêu chuẩn Việt gáp, đặc biệt là thực hiện xây dựng các vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, hỗ trợ theo tiêu chuẩn của Nghị quyết 15 của tỉnh".
Nhiều giải pháp, nhiều mô hình thí điểm đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên để lan tỏa trong cộng đồng rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hộ chăn nuôi./.