Tai nạn pháo nổ và nỗi đau dai dẳng
Chỉ vì một phút tò mò, ham vui đã để lại nỗi đau dai dẳng từ việc đốt pháo |
Đặt pháo cối có xuất xứ từ Trung Quốc mua qua mạng, sau đó em học sinh này đã xem hướng dẫn và đốt thử. Sau khi đốt hết, còn 1 quả ngòi pháo bị gập không thấy nổ nên em đã cầm lên xem thì bất ngờ quả pháo phát nổ, khiến toàn bộ bàn tay trái của em bị tổn thương nặng.
Bác sỹ Vũ Duy Đô, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết tình trạng của bệnh nhân: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thương tích toàn thân, tuy nhiên nặng nề nhất là bàn tay trái của bệnh nhân có những vết thương rất phức tạp, sau khi chúng tôi kiểm tra thì hệ thống gân của bàn tay đã bị tổn thương rất nhiều, đồng thời bệnh nhân cũng bị gãy hai xương cẳng tay, tình trạng này có thể do ảnh hưởng từ vật nổ gây ra".
Bệnh nhân này chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp phải nhập viện, điều trị do tai nạn pháo nổ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dịp giáp Tết Nguyên đán. Theo chia sẻ của các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 20-25 ca nhập viện do pháo nổ, trong đó đáng chú ý có rất nhiều ca tai nạn thương tích nặng.
Dù đã được các bác sỹ can thiệp, điều trị kịp thời nhưng những ảnh hưởng đến các chức năng của đôi bàn tay là điều không tránh khỏi. |
Bác sĩ CKII Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Lứa tuổi hay gặp những tai nạn như thế này thường rơi vào lứa tuổi lao động, từ 18 đến 30 tuổi. Và tổn thương sẽ gặp nhiều nhất đó là tổn thương bàn tay, di chứng để lại là vô cùng nặng nề, khi chức năng cầm, nắm, lao động của bàn tay rất kém, do vậy khuyến cáo người dân cần nhắc nhở, giáo dục con em trong gia đình tránh tự chế pháo nổ, đặc biệt là học tập trên mạng để điều chế pháo nổ, gây những tổn thương nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai sau này".
Thực tế cho thấy, tai nạn pháo nổ đã mang lại nhiều hệ lụy dai dẳng. Hầu hết, những trường hợp gặp tai nạn pháo nổ đều để lại nhiều thương tật vĩnh viễn. Do đó, phòng ngừa tai nạn thương tích do pháo nổ cho trẻ hiệu quả nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho các em. Nhà trường, gia đình nên tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ./.