Startup đừng quá coi trọng ý tưởng mà hãy tập trung vào vận hành
Hiện nay chủ đề khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử đang là một trong những mối quan tâm lớn của cộng động đồng kinh doanh. Chính vì vậy chương trình “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017” diễn ra vào ngày 24/2 đã dành riêng một phiên thảo luận để đưa ra cái nhìn về chủ đề khởi nghiệp trong môi trường này.
Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017 |
Cần tránh các ông lớn khi khởi nghiệp trong thương mại điện tử
Trong phiên thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Điệp, giám đốc Vatgia.com đã thay mặt các diễn giả chia sẻ các điểm chính về bối cảnh khởi nghiệp trong TMĐT hiện nay. Theo ông Điệp, hiện tại thị trường đang bị cạnh tranh rất gay gắt bởi rất nhiều nhiều ông lớn đã và đang đầu tư vào thương mại điện tử. Phía doanh nghiệp nội địa có thể kể đến Adayroi của Vingroup, Vuivui của Thế giới di động hoặc Sendo của FPT. Phía doanh nghiệp nước ngoài phải kể đến Alibaba mua lại Lazada hay Shopee - kênh mua sắm trên di động có mặt tại 6 quốc gia Đông Nam Á chính thức ra mắt tại Việt Nam tháng 8 vừa rồi.
Có cùng nhận định về thương mại điện tử 2017, ông Pine Kyaw - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho rằng năm nay sẽ là thời điểm định hình trật tự thương mại điện tử. “Một số doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích ứng, chiếm lĩnh thị phần và tạo ra những quy tắc chung của cuộc đua, phần còn lại sẽ phải chấp nhận hoặc tham gia vào trật tự này hoặc từ bỏ”. Điều này đã thể hiện mức độ thách thức lớn cho các cá nhân, tổ chức có ý định khởi nghiệp.
Mặc dù đưa ra một bức tranh khá khốc liệt nhưng ông Nguyễn Ngọc Điệp vẫn khẳng định đây là thời điểm phù hợp để một số cá nhân, tổ chức khởi nghiệp trong TMĐT. Giải thích cho điều này, ông Điệp cho rằng các ông lớn, là các sàn thương mại điện tử, hầu như đều áp dụng một chiến lược chung là đổ rất nhiều tiền để lôi kéo người dùng. Các hình thức đốt tiền phổ biến là trợ giá, miễn phí vận chuyển. Vậy nên nếu ai kinh doanh cung cấp sản phẩm, dịch vụ rất nên tham gia vào thương mại điện tử để tranh thủ cơ hội này. Ngược lại, nếu có ý định khởi nghiệp bằng hình thức sàn hoặc tương tự sàn thương mại điện tử sẽ rất vất vả.
Trong buổi trao đổi ông Trần Hữu Đức, giám đốc FPT Ventures đưa ra lời khuyên khởi nghiệp vào lúc này là cần tránh các ông lớn trong thương mại điện tử mà cụ thể như Lazada, Sendo, Shopee và tập trung vào các dịch vụ bổ trợ cho thị trường này. Ông Đức ví von các tên tuổi lớn giống như khủng long, “Khủng long đi đường nào thì nên né họ và đi đường khác”.
Đừng quá coi trọng ý tưởng, quan trọng là cách vận hành
Khi được hỏi về vấn đề vấn đề làm sao để bảo vệ ý tưởng của mình tránh bị nhà đầu tư đánh cắp, ông Trần Anh Dũng, giám đốc MOG đã cho rằng các Startup không nên coi ý tưởng của mình là yếu tố quyết định thắng lợi. “Nếu không có các kế hoạch cụ thể về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì bạn sẽ bị vượt qua rất dễ dàng”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Đức cho rằng có ý tưởng nhưng quy mô thị trường quá bé hoặc cách vận hành không tốt thì cũng không thể mang lại thành công. Chia sẻ thêm về vấn đề mối quan hệ và nhà đầu tư, tất cả các đầu tư của FPT Ventures đều ký cam kết bảo mật thông tin (NDA) kéo dài trung bình từ 3 – 5 năm, một thời gian đủ dài thể nhà đầu tư không thể ăn cắp ý tưởng.
Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc tài chính và vận hành Shopee cho rằng, một startup TMĐT phải hội đủ hai yếu tố. Y tưởng phải thật sự giải bài toán thị trường đang cần, vốn đủ mạnh để hoạt động đến khi thị trường chấp nhận, và công ty đủ linh hoạt và nhạy bén trong chiến lược và vận hành để đám ứng đúng cái thị trường đang cần.
Chính vì vậy, lời khuyên cho các nhà Startup là hãy tập trung vào vấn đề kế hoạch hoạt động và vận hành bộ máy thay vì lo lắng ý tưởng của mình sẽ bị sao chép./.