Sốt xuất huyết tăng nhanh, thêm một người tử vong
Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 50.000 ca mắc SXH, trong đó 14 trường hợp tử vong. Khu vực miền Bắc số mắc tăng nhanh với 2163 ca, miền Nam tăng 22,8% (1939 ca) nhưng giảm mạnh ở miền Trung với 1,812 ca và Tây Nguyên giảm 56,7% (2184)
Riêng tại Hà Nội, trong tuần ghi nhận hơn 900 trường hợp SXH. Trong đó, các đơn vị có số ghi nhận cao trong tuần là Hoàng Mai (189, tăng 41 so với tuần trước), Đống Đa (174, tăng 43 so với tuần trước), Cầu Giấy (73, tăng 43 so với tuần trước), Thanh Xuân (69, tăng 30 so với tuần trước), Thanh Trì (65, tăng 14 so với tuần trước), Hai Bà Trưng (60, tăng 15 so với tuần trước), Hà Đông (56, tăng 20 so với tuần trước) Ba Đình (43, tăng 5 so với tuần trước).
Muỗi truyền sốt xuất huyết thích đẻ trứng vào những nơi nước đọng, nên cần lật úp các vật dụng chứa nước để ngăn ngừa muỗi phát triển. Ảnh: Nguyễn Vân. |
Lũy tích từ ngày 01/01/2017 đến nay toàn Thành phố ghi nhận: 4.147 trường hợp, 01 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5/2017.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, vì vậy để chủ động phòng chống dịch cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đồng thời cần có sự vào cuộc của toàn thể các cấp chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng như ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của toàn thể người dân và cộng đồng.
Để ngăn chặn SXH, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả các nơi ghi nhận có bệnh nhân và ổ dịch.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến trung ương) để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng khác là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng…
Bởi thời gian qua, khi đi kiểm tra, giám sát tại các địa điểm này, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều dụng cụ tồn nước đọng chứa bọ gậy là nơi sinh sôi của muỗi truyền bệnh SXH.
Một chiếc lốp hỏng vứt lăn lóc ngoài vưòn chứa nước đọng là nơi ưa thích cho muỗi truyền SXH đẻ trứng. Ảnh: Nguyễn Vân. |
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ rõ, những ổ bọ gậy tiềm ẩn ở những vật dụng chứa nước đọng mà người dân không ngờ tới, như trong lốp xe hỏng bỏ ngoài vườn; trong vỏ lon nước ngọt, bia uống hết vứt ra vườn; trong lọ hoa lộ thiên ở bàn thờ; trong bát nước kê chạn…
Vì thế, để cắt đứt nguồn lây truyền của bệnh, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, yêu cầu sự quan tâm, phối hợp phòng chống dịch của toàn dân, đòi hỏi sự quan tâm và thực hiện của cả các doanh nghiệp, chủ sản xuất, các công trường trên toàn thành phố.
Theo đó người dân cần diệt muỗi, tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy bằng ngủ màn, dùng hương muỗi, kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt. Tiếp đến là diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách xử lý các ổ bọ gậy như thả cá vào các bể nước, thả hóa chất vào chậu hoa, cây cảnh, bể nước đọng, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thu gom các phế liệu, phế thải để muỗi không có nơi đẻ trứng. Cuối cùng là phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành.
Ông Hạnh cho biết Hà Nội đang đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương.