Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính là một dạng ung thư máu phổ biến ở trẻ em mà tới nay giới khoa học chưa xác định nguồn gốc. Một số ý kiến đổ lỗi cho dây cáp, sóng điện từ, chất hóa học bởi trên thực tế ung thư máu thường gặp ở những nước giàu có. Tuy nhiên, giáo sư Mel Greaves từ Viện Nghiên cứu Ung thư Anh lại không đồng tình và tuyên bố sống quá sạch mới là nguyên nhân gây bệnh.

song qua sach khien tre em de bi ung thu
Ảnh: BBC.

Trên tờ Nature Reviews Cancer, giáo sư Greaves lập luận sự xuất hiện của ung thư máu trải qua ba giai đoạn:

- Đột biến di truyền không thể ngăn cản xảy ra trong tử cung.

- Thiếu tiếp xúc với vi khuẩn trong những năm đầu đời khiến hệ miễn dịch không biết cách chiến đấu với mầm bệnh.

- Cơ thể bị nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch hoạt động yếu kém tạo điều kiện cho ung thư máu phát triển.

"Rõ ràng, bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính được kích hoạt do tình trạng nhiễm trùng ở những em bé với hệ miễn dịch hoạt động sai cách", giáo sư Greaves nhấn mạnh. Trên thực tế, nhiều công trình từng chỉ ra trẻ em tiếp xúc với nhiều vi khuẩn thông qua việc đi học, chơi đùa với anh chị, bú sữa mẹ và sinh thường thì ít bị ung thư máu. Y văn thế giới cũng từng ghi nhận 7 trẻ mắc ung thư máu sau đợt cúm ở Milan (Italy).

Giáo sư Greaves cho biết nghiên cứu của ông không nhằm chỉ trích các bố mẹ sống quá sạch sẽ mà muốn chứng minh cuộc sống hiện đại đi kèm cái giá phải trả. Đặc biệt, khi đã xác định nguyên nhân ung thư máu đến từ lối sống, giáo sư Greaves tin rằng có thể phòng tránh bằng cách cho trẻ em tiếp xúc với nguồn vi khuẩn tốt (như sữa chua) để "huấn luyện" hệ miễn dịch.

Trong lúc chờ đợi các phát hiện tiếp theo, giáo sư Greaves gợi ý phụ huynh nên chủ động khuyến khích con em tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ. "Cha mẹ chưa nên vội vã tin tưởng nghiên cứu này", bác sĩ Alasdair Rankin, giám đốc đơn vị ung thư máu thuộc Quỹ Bloodwise (Anh) nói. "Hệ miễn dịch mạnh mẽ giảm nguy cơ bệnh tật song chưa có cách nào ngăn chặn hoàn toàn ung thư máu ở trẻ em".