Sẽ có bộ chỉ số đánh giá sự phát triển của các trường đại học Sư phạm
Bộ chỉ số phát triển năng lực trường đại học Sư phạm (TEIDI) gồm 7 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí và 60 chỉ số nhằm mục đích đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường đại học Sư phạm (ĐHSP) chủ chốt một cách toàn diện.
Các tiêu chuẩn được đưa vào bộ chỉ số bao gồm: Tầm nhìn chiến lược và quản lý chất lượng; Chương trình đào tạo; Nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hoạt động đối ngoại; Môi trường và các nguồn lực; Hỗ trợ dạy học; Hỗ trợ người học.
Bộ chỉ số TEIDI được xây dựng trên cơ sở kế thừa những tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số từ các bộ công cụ như: Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, bộ tiêu chuẩn AUN kiểm định chất lượng giáo dục đại học các nước ASEAN và bộ chỉ số TEIDI của Ấn Độ.
Bộ chỉ số TEIDI tiếp cận toàn diện các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo, minh chứng gắn với đặc trưng của các trường sư phạm giúp cho các trường sư phạm trong việc nhận diện những điểm mạnh và điểm yếu, lập kế hoạch, quản lý, quản trị sự phát triển năng lực đào tạo và bồi dưỡng của trường bao gồm cả mức độ sẵn sàng và hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ sư phạm, sự nhạy cảm với nhu cầu của các nhóm yếu thế, các nhóm dân tộc thiểu số và vùng khó khăn...
Tại Hội thảo Tập huấn, hướng dẫn đánh giá năng lực các trường ĐHSP theo Bộ chỉ số phát triển năng lực các trường đại học sư phạm (TEIDI) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Giáo dục Đại học, Cục Nhà giáo và Bồi dưỡng quản lý giáo dục, Cục Kiểm tra và Kiểm định chất lượng, các chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế giới và đại diện 8 trường ĐHSP chủ chốt tham gia dự án đã tập trung thảo luận, hoàn thiện bộ chỉ số TEIDI.
Theo Kế hoạch, Chương trình ETEP sẽ sử dụng bộ chỉ số này để xác định năng lực đào tạo và bồi dưỡng của từng trường trong phạm vi ETEP khi bắt đầu chương trình, sau đó hàng năm sẽ sử dụng để đánh giá sự phát triển của từng trường.
Kết quả đánh giá thông qua bộ chỉ số TEDI giúp các trường sư phạm củng cố tính tự lực, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới căn bản và toàn diện hướng đến các tiêu chuẩn chung, phù hợp với đặc điểm riêng của từng trường cũng như đặc trưng vùng miền.
Bên cạnh đó là góp phần tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ chặt chẽ với các trường khác trong hệ thống sư phạm và với các trường phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp nhằm xây dựng được đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo ý kiến của các trường sư phạm, Bộ chỉ số TEDI không chỉ là công cụ để đánh giá tính hiệu quả và bền vững của việc phát triển các trường sư phạm thuộc chương trình ETEP.
Nếu được áp dụng rộng rãi cho các trường sư phạm khác sẽ góp phần nhận diện được năng lực thực sự của từng trường, góp phần hỗ trợ hoạt động tái cấu trúc hệ thống đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chuẩn trường sư phạm theo hướng tăng cường tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo và hội nhập quốc tế; từ đó giúp giải quyết bài toán về quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong cả nước./.