Rượu, bia - Căn nguyên những gánh nặng của xã hội
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên, lượng bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần liên quan đến rượu, bia đã tăng từ 2 đến 3 lần so với cách đây 5 năm. |
Ghi nhận trường hợp một bệnh nhân đã có “thâm niên” uống rượu 20 năm nay, trong đó gần 10 năm trở lại đây bị nghiện rượu. Trung bình mỗi ngày, ông uống từ 1 đến 2 lít rượu, sức khoẻ suy giảm và đã phải thường xuyên nhập viện điều trị với những biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi. Người nhà bệnh nhận chia sẻ: "Hàng ngày, ông có uống rượu và mất kiểm soát hành vi, đánh vợ con, rất khó bỏ rượu".
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên, lượng bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần liên quan đến rượu, bia đã tăng từ 2 đến 3 lần so với cách đây 5 năm, chiếm khoảng 40% số bệnh nhân nam điều trị tại bệnh viện. Độ tuổi trung bình từ 50 đến 60 tuổi và ngày càng trẻ hoá. Đặc biệt, qua theo dõi, có đến 70% số bệnh nhân phải tái điều trị sau khi ra viện do không từ bỏ được thói quen uống rượu, bia.
Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Khi vào đây điều trị, đa phần bệnh nhân nghiện rượu lâu năm, mãn tính, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, không làm chủ được bản thân, có thể gây ra hậu quả đáng tiếc cho những người xung quanh và bản thân người bệnh".
Không chỉ gây rối loạn ý thức, tâm thần, rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự. |
Không chỉ gây rối loạn ý thức, tâm thần, rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự. Bên cạnh đó, nó cũng là căn nguyên dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí là cả tính mạng đối với người sử dụng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện A Thái Nguyên tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn, bệnh tật mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng rượu, bia.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Khâm, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Uống nhiều rượu, bia, dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể, có những bệnh nhân uống rượu cấp trong một thời gian ngắn số lượng nhiều, bệnh nhân trẻ 18 tuổi, vào viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, có bệnh nhân tử vong".
Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Bên cạnh đó, rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Để phòng chống tác hại của rượu, bia rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, có quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng rượu. Đồng thời, mỗi người dân cũng nên từ bỏ thói quen uống rượu bia, vì sức khoẻ của bản thân và sự an toàn, bình yên cho gia đình, xã hội./.