Các nhà nghiên cứu đang chế tạo một robot thăm dò giống khí cầu nhỏ có thể thâm nhập vào những công trình cổ đại qua lỗ rộng 3,5 cm khoan trên tường, theo Digital Trends. Sau khi phồng lên bên trong phòng chứa, máy bay không người lái sẽ di chuyển giống một khí cầu nhỏ để khám phá những khu vực khó tiếp cận và hạn chế hư hại ở mức tối thiểu đối với các đồ tạo tác hoặc cấu trúc ẩn bên trong.

Tháng trước, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện căn phòng dài ngang máy bay (30 mét) nằm bên trên hành lang Grand Gallary sâu trong Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Phát hiện là kết quả từ công nghệ chụp ảnh bằng tia vũ trụ, trong đó các hạt hạ nguyên tử rơi tự nhiên từ không trung được sử dụng để lập bản đồ các công trình tương tự như quét tia X. Các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng một robot mới ít xâm phạm để khám phá lý do xây phòng chứa.

robot tham hiem phong dai bang may bay trong dai kim tu thap
Thiết kế của robot thám hiểm. Ảnh: Digital Trends.

Dự án do ScanPyramids, nhóm nghiên cứu phát hiện căn phòng trong Đại kim tự tháp, khởi xướng, quy tụ các kỹ sư từ Đại học Cairo và Viện HIP ở Florida, Mỹ. "Thách thức chính là đưa vừa một robot thám hiểm hoàn chỉnh qua một lỗ nhỏ hết mức có thể. Điều đó rất quan trọng bởi chúng tôi muốn để lại ít dấu vết. Chúng tôi gọi nó là 'công nghệ robot ít xâm phạm'", tiến sĩ Jean-Baptiste Mouret, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Thiết bị bao hồm hai robot, một cỗ máy hình ống trang bị camera có độ nét cao và một dụng cụ thăm dò khám phá cấu trúc thông qua khí cầu nhỏ có thể phồng lên. Sau khi robot đầu tiên hoàn thành chụp ảnh sơ bộ để kiểm tra căn phòng có đáng khám phá hay không, phương tiện không người lái được đẩy qua lỗ khoan, nơi nó tự phồng bên trong phòng chứa.

robot tham hiem phong dai bang may bay trong dai kim tu thap
Công nghệ sử dụng trong dự án quét các kim tự tháp Ai Cập. Video: ScanPyramids.

Trang bị một loạt cảm biến vày máy ảnh, thiết bị điều khiển từ xa thu thập dữ liệu và chụp ảnh hoặc quay phim mà không gây hư hại cho công trình dễ đổ vỡ. Dụng cụ thăm dò trôi nổi sẽ quay lại trạm tiếp nối và xẹp hơi và thu gọn vào trong ống.

Mẫu robot đang được các nhà khoa học ở viện nghiên cứu Inria và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở Paris phát triển. Theo đội dự án, robot trôi nổi sẽ nhanh hơn và dễ điều khiển hơn dụng cụ thăm dò trên mặt đất. Nó không cần định hướng để tránh cầu thang, các hòn đá hay mảnh vỡ rơi. Nhờ khả năng căng phồng, dụng cụ thăm dò có ít khả năng gây hư hại khi va chạm hơn so với các loại máy bay không người lái khác.

Tiến sĩ Mouret cho biết chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc sử dụng robot bên trong Đại kim tự tháp. Nhưng sau khi thiết bị hoàn tất, nó có thể được sử dụng để lập bản đồ các di chỉ văn hóa và khảo cổ trên thế giới.