PGS Hiệp cho biết, hiện nay bệnh đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên Thế giới và Việt Nam. Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém.

quy bao hiem y te thanh toan hon 1000 ty dong cho cac ca phau thuat thuy tinh the

Trong đó, trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được; 1/3 trong số đó do nhà nghèo không có tiền chữa trị… Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy, đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa 2 mắt ở Việt Nam với 74%, sau đó đến bệnh bán phần sau (6.3%), bệnh glôcôm, tật khúc xạ

Đáng nói, đa phần người bệnh đều rất chủ quan, cho rằng thị lực giảm chỉ là dấu hiệu của tuổi già nên không đi khám bệnh, không chữa trị. Và rất nhiều người trong số đó (35%) không biết mình bị đục thủy tinh thể mà nếu biết, cũng cho rằng đó là bệnh không thể điều trị khỏi.

“Cần phải khẳng định, đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản, thị lực người bệnh được phục hồi tốt. Thế nhưng, đa số người bệnh lại đến viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Nhất là ở những trường hợp mà các dây thần kinh thị giác (nhiệm vụ cung cấp thông tin nhìn thấy đến não) có thể đã bị phá huỷ hoàn toàn, gây mù vĩnh viễn hoặc nếu điều trị được cũng gặp nhiều khó khăn”, PGS Hiệp cho biết.

Những năm qua, số liệu tại BV Mắt Trung ương cho thấy sự giảm không đáng kể số lượng người mù 2 mắt do đục thể thủy tinh cũng như tăng số lượng người thị lực kém 2 mắt do đục thể thủy tinh chỉ ra rằng mức độ phẫu thuật thể thủy tinh hiện tại quá thấp để bao phủ những ca đục thể thủy tinh mới mắc mỗi năm.

Tồn đọng ngày càng tăng là do dịch tễ học và xu hướng già hóa dân số. Như vậy, việc mở rộng dịch vụ chăm sóc mắt, đặc biệt là phẫu thuật thể thủy tinh chưa đủ để đáp ứng những thay đổi về dịch tễ học…

Mục tiêu cụ thể 2020, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 16 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh từ 1.869 hiện nay lên ít nhất 4000-5000 mỗi năm; Tăng số lượng các ca phẫu thuật thể thủy tinh hàng năm lên ít nhất 10%.

quy bao hiem y te thanh toan hon 1000 ty dong cho cac ca phau thuat thuy tinh the

Nhằm tìm ra loại thuỷ tinh thể phù hợp với người Việt về giá thành cũng như chất lượng, ngày 28/2/2019, Bệnh viện Mắt TW đã ký kết hợp tác thực hiện thử nghiệm lâm sàng thủy tinh thể nhân tạo lần đầu tiên được sản xuất trong nước.

Theo PGS Hiệp, việc thuỷ tinh thể lần đầu tiên được sản xuất trong nước, đã bước vào giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng sẽ góp phần thiết thực cung ứng các sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo sản xuất trong nước cho nhu cầu điều trị bệnh đục thủy tinh thể tại Việt Nam. Việc hạn chế và tiến tới không phải nhập khẩu thủy tinh thể nhân tạo sẽ giúp cho những người có thu nhập thấp và trung bình trong nước có cơ hội chữa trị bệnh đực thể thủy tinh bằng sản phẩm chất lượng cao với giá thành phù hợp.

Đục thuỷ tinh thể thường xảy ra từ tuổi 60 trở đi. Theo thời gian, thủy tinh thể không còn trong suốt nữa, mà trở thành mờ đục gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm). Hiện tượng này xảy ra ở 50% người lớn tuổi, khi mới bị thì nhìn xa thấy mờ, về sau nhìn gần cũng mờ, giơ bàn tay ra trước mắt cũng chỉ thấy bóng.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có biểu hiện rõ rệt như vậy ngay từ ban đầu. Hơn nữa, bệnh này không gây đau nhức mắt khiến người bệnh càng chủ quan. Cũng có nhiều người chỉ thấy giảm thị lực đôi chút, chói mắt khi ra nắng khiến người bệnh chỉ đến khám khi bệnh đã nặng, rất khó chữa chạy. Còn được phát hiện, điều trị sớm, 90% người bệnh được khôi phục lại thị lực.

Vì thế, PGS Hiệp đưa ra lời khuyên, những người cao tuổi nên tăng cường kiểm tra mắt định kỳ để hạn chế các biến chứng, bảo vệ chức năng thị giác và giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.