Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội
Toàn cảnh phiên họp tại hội trường. |
Theo nhiều đại biểu, các giải pháp trong thời gian tới cần được Chính phủ xây dựng nhiều tình huống khác nhau, trong đó cần tập trung cho các kịch bản xấu nhất khi dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường. Các đại biểu nhất trí với đề xuất tạm dừng tăng lương cơ sở trong năm 2021 để dành nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai. Về lâu dài cần phải xem lại hiệu quả của thủy điện và tác động đến rừng.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng rừng phân tán, rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả”.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có những báo cáo và giải trình những số liệu mà đại biểu nêu lên: “Đến nay, chúng ta có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Bởi vì năm 1990 chúng ta mới chỉ có 9 triệu ha rừng. Trong vòng 30 năm chúng ta, một đất nước có GDP còn thấp mà đã tập trung phát triển rừng để bảo vệ môi trường”.
Qua nghiên cứu số liệu trình bày tại Quốc hội, trong thời gian vừa qua, vấn đề chuyển giá, trốn thuế chưa có xu hướng giảm. Kết quả tiến hành thanh, kiểm tra tại các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI có phát sinh giao dịch liên kết.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất ý kiến về việc thanh, kiểm tra tại các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. |
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề xuất ý kiến:“Đề nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán trực tiếp việc chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý, thu thuế và các doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI. Đồng thời, đánh giá các chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư của nhà nước ta đối với doanh nghiệp FDI trong thời gian vừa qua. Kết quả của Kiểm toán nhà nước sẽ nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp FDI và sự phát triển của các địa phương và Quốc gia. Từ đó, có cơ sở điều chỉnh, đảm bảo vừa tăng sức thu hút vốn FDI vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa, hợp pháp giữa các bên nhà nước, doanh nghiệp và người lao động”.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021./.