Quản lý bệnh trầm cảm dựa vào cộng đồng
Dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng” được triển khai tại thành phố Thái Nguyên đã mang lại những kết quả tích cực |
Được thực hiện từ tháng 7 năm 2020, hiện Dự án đang điều trị cho hơn 300 người mắc bệnh trầm cảm tại 10 xã, phường của thành phố Thái Nguyên. Sau các buổi điều trị bằng liệu pháp tâm lý, sức khỏe tâm thần của các bệnh nhân đã có nhiều tiến triển tích cực. Bà Hà Thị Quý Phương, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Sau 8 buổi điều trị, sức khỏe của tôi tốt lên nhiều, ăn được, ngủ được, tư tưởng thoải mái hơn".
Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, Dự án triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho các y, bác sĩ về mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng; chăm sóc đối tượng mắc bệnh trầm cảm; tạo sinh kế bền vững cho bệnh nhân trầm cảm nghèo và cận nghèo.
Bác sỹ Nguyễn Thị Trung Lương, Trạm trưởng Trạm y tế phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Ban đầu, người mắc bệnh trầm cảm tinh thần ưu tư và phiền não, buổi đầu chỉ có thể được 1-2 điểm, đến buổi 8 bệnh nhân có thể lên 8-9 điểm, mang lại niềm vui rất lớn".
Các bệnh nhân được điều trị bệnh tại Trạm y tế phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên |
Theo ước tính, Thái Nguyên có khoảng 150.000 người có sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trong đó, có trên 140.000 người không được quản lý, tư vấn thường xuyên. Phần lớn trong số họ không biết về tình trạng bệnh hoặc giấu bệnh của mình. Do vậy, việc phát hiện sớm, can thiệp và điều trị bẹnh trầm cảm thông qua những hoạt động này là rất cần thiết và sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, giúp người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường bên gia đình và tái hòa nhập cộng đồng./.