Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam: Nhanh nhưng chưa đồng bộ
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa Bền vững diễn ra sáng 14/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Toàn cảnh phiên đối thoại. |
Bà Phan Thị Mỹ Linh cho biết, sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016).
Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.
Tuy nhiên, như nhiều quốc gia đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương, phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dịch cư thiếu kiểm soát, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị- nông thôn, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên....
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao.
Cũng trong khoảng thời gian đó, kể từ khi thành lập năm 1989 đến nay, APEC với 21 nền kinh tế thành viên có dân số đô thị khoảng 1,8 tỷ người, chiếm 42% dân số của khối.
Các nền kinh tế thành viên APEC cũng đều nhận thấy rằng, việc quản lý quá trình chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và khó khăn đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và dưới tác động của Biến đổi khí hậu.
Trước mối quan tâm chung đó, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Đối thoại APEC 2017 về đô thị hóa bền vững nhằm để thảo luận các vấn đề quan trọng của đô thị hóa bền vững nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”, đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong giai đoạn 2016 – 2030.
Thứ Trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn- Chủ tịch SOM nhấn mạnh, cùng với xu thế đô thị hóa và vai trò quan trọng của đô thị hóa đối với phát triển kinh tế xã hội là các vấn đề và thách thức to lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý và phát triển đô thị.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, cùng với Việt Nam, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải vạch ra được các chiến lược và giải pháp chung để hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị, giải quyết những vấn đề có liên quan và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững và bao trùm./.