Quá trình cổ phần hóa DNNN còn nhiều chông gai
Sáng nay (30/3), tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016" tổ chức Hội thảo với chủ đề "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và những thách thức trong quá trình thực hiện".
Quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa: KT) |
Báo cáo của đoàn giám sát cho biết: năm 2017 cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 69 doanh nghiệp: Bao gồm 1 Tập đoàn, 10 Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện chỉ có 21 doanh nghiệp được cổ phần hóa, thu về 5.192 tỷ đồng.
Theo đó, những vấn đề phát sinh trong cổ phần hóa, đó là: một số bộ, ngành địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa; Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng, việc giám sát cần bắt đầu từ hoạt động doanh nghiệp đến định giá và thoái vốn; cần phải đặt trên nền công khai minh bạch về thông tin hoạt động của doanh nghiệp để đi đến sử dụng nguồn vốn bán hợp lý nhất.
"Danh sách cổ phần hóa và bán vốn, chính phủ đưa danh sách công khai, tạo linh hoạt chọn thời điểm bán hiệu quả. Có danh sách công khai rồi nhưng thời gian qua hoạt động hiệu quả thấp. Đoàn giám sát, Quốc hội cần chất vấn việc này, kể cả các tập đoàn triển. Có thể việc đảm bảo linh hoạt là cần thiết đảm bảo tính hiệu quả," ông Hùng nêu rõ.
Các đại biểu cho rằng, còn khá nhiều thách thức trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Mặc dù đã có quy định về tiêu chí, trình tự, lựa chọn, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nhưng chưa có quy định về chế tài khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết.
Việc khống chế mức chi cổ phần hóa theo giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (không quá 500 triệu đồng đối với doanh nghiệp có giá trị trên 100 tỷ đồng) chưa tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu, đặc biệt là doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tuy nhiên, chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với trường hợp tổ chức tư vấn vi phạm cac quy định của pháp luật.
Các đại biểu cũng nêu thực trạng: hiện chưa có hệ thống quy định cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ dưới hình thức Luật để tạo hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện cổ phần hóa nhà nước. Do vậy, cần thiết nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức luật do Quốc hội ban hành để có thể xử lý toàn diện triệt để hơn các vấn đề khi cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong nguyên tắc xây dựng Luật phải nhìn nhận quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là quá trình tái cơ cấu lại vốn và tài sản nhà nước chứ không chỉ đơn thuần thu hồi lại vốn nhà nước.
"Doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn, cơ cấu doanh mục tài sản, cho nên từ cổ phần doanh nghiệp chuyển sang tiền thì bây giờ phải chuyển sang đầu tư tài sản, mà tài sản này phải có giá trị tốt hơn tài sản đang đầu tư. Chứ không phải hòa vào ngân sách. Hòa vào ngân sách thì 5 năm nữa chúng ta tiêu hết, ngay cả vào đầu tư công cũng không được vì đây là cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước, phải tập trung những dự án tài sản thật tốt đầu tư và quốc hội quyết định", ông Cung nêu quan điểm.
Các đại biểu đề nghị không nên định giá quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa mà việc quản lý đất đai mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa cần thiết phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chi tiết để sử dụng đúng mục đích. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước./.