Cổ phần hóa DNNN: Phải minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường
Như ở bài trước, đã chỉ ra thực trạng một số trường hợp lợi dụng lỗ hổng để trục lợi qua “vỏ bọc” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do “lợi ích nhóm”, tư duy nhiệm kỳ. Để khắc phục tình trạng này, điều tiên quyết là phải đảm bảo tính minh bạch và rất cần sự tham gia các tổ chức chuyên nghiệp, các nhà đầu tư thực sự trên thị trường.
Cần công khai, minh bạch
Vấn đề cổ phần hóa DNNN gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước là vấn đề nóng của xã hội, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cần có cơ chế giám sát chéo. Phải đảm bảo tính độc lập cũng như tính minh bạch trong quá trình định giá vốn nhà nước.
Cổ phần hóa DNNN phải minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường (Ảnh minh họa: KT) |
“Thời gian vừa qua, chúng ta lấy giá sàn và giá trần nhưng chúng ta chưa tính đến nhà đầu tư chiến lược tiềm năng vào thì đem lại sinh khí mới, lợi nhuận mới trong tương lai thế nào. Cái này liên quan tới khâu định giá độc lập, xác định nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế ở Việt Nam, trong rất nhiều trường hợp, định vị nhà đầu tư chiến lược đã có trước khi hoàn chỉnh hồ sơ. Về cơ bản phải trên 50% có ý đồ từ trước”, TS Võ Trí Thành chỉ rõ.
TS Võ Trí Thành cho rằng, việc xử lý, điều chỉnh phải bài bản, không được để cái gọi là “yêu – ghét”, xúc cảm chi phối. Kinh nghiệm cho thấy, trong bất kỳ cuộc chơi nào thì phải đảm bảo tính minh bạch, song bên cạnh vấn đề minh bạch hóa, giải trình tốt thì rất cần sự tham gia các tổ chức chuyên nghiệp, các nhà đầu tư thực sự trên thị trường. Đây là điều rất quan trọng. Còn nếu cách làm lại mang tính hành chính thì không được, vì đây là vấn đề của thị trường, đồng vốn, hiệu quả, giảm thiểu phí tổn, rủi ro.
Bài học tôn trọng nguyên tắc thị trường
Từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa gần 140 DNNN, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, nắm giữ nhiều “đất vàng”. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề là phải nâng cao chất lượng và hoàn thành các mục tiêu khác của cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Muốn vậy, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản như mở rộng diện DNNN không cần nắm giữ cổ phần; giảm thiểu ngành nghề giới hạn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần…
“Cần có sự cam kết và nghiêm túc tổ chức thực hiện, nâng cao tính minh bạch trong quá trình cổ phần hóa. Rất nhiều thông tin đến giờ chúng ta mới biết, trong khi đáng lẽ ngay từ khi xây dựng bán cổ phần đã phải công khai rồi. Đây chủ yếu là vấn đề tổ chức thực hiện”, ông Trung thừa nhận.
Cũng theo ông Trung, cần đa dạng hóa các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Phải nâng cao tính minh bạch của quá trình cổ phần hóa nói chung, định giá doanh nghiệp nói riêng cũng như xác định đúng giá trị vốn nhà nước nhằm tranh gây thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, quyền được giao đất, quyền được thuê đất. Định giá vốn nhà nước phải theo giá thị trường. Phải đổi mới, hình thành các tổ chức giám sát độc lập để tiến hành định giá ngoài danh sách cứng thường thuê như trước nay”, ông Trung nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (Ảnh: KT) |
Đồng tình với quan điểm này, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, để CPH DNNN thành công, một trong những yếu tố tiên quyết là phải tư duy theo hướng thị trường. Một số DN chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Điều này làm thất thoát vốn của nhà nước và không bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường trong quá trình CPH.
“Hiện nay, tư duy trong CPH nói chung và trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nói riêng vẫn thiên về quản lý nhà nước. Cần phải có tư duy thị trường, có nghĩa là tư duy này phải tiếp cận theo cách nhìn của một nhà đầu tư hơn là một cơ quan quản lý hành chính của nhà nước. Tư duy thiếu thị trường chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến chưa thành công trong việc khắc phục cuộc khủng khoảng DNNN”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Chủ trương của Đảng về tái cơ cấu DNNN, thay đổi mô hình quản trị trong loại hình DNNN là cần thiết. CPH DNNN theo mô hình công ty cổ phần là mô hình tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, việc CPH theo tư duy nhiệm kỳ, thiếu kiểm tra, kiểm soát, lợi ích nhóm… sẽ gây tình trạng lạm dụng việc CPH để tiêu tán tài sản công nếu không nói là sử dụng lãng phí. Trong năm 2018, nhiều DN phải chạy nước rút để CPH, thoái vốn theo kế hoạch đã đề ra, do đó, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý, nguy cơ thất thoát tài sản của nhà nước có thể sẽ xảy ra./.
Bài viết cùng loạt bài: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Bài 1: Trục lợi qua "vỏ bọc" cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Bài 2: Phải minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường