Ngày 16/5, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp, TPHCM các bác sĩ thuộc nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tiếp cận với kỹ thuật phục hồi chức năng tim mạch với sự hướng dẫn của GS Satoru Yuguchi đến từ Nhật Bản.

phuc hoi chuc nang tim mach du nhap vao viet nam
Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn các bài tập theo dõi chặt chẽ các thông số tim mạch, hô hấp

Ngoài các kỹ thuật hỗ trợ phục hồi chức năng vận động của cơ thể, phục hồi chức năng tim mạch còn là lĩnh vực rất mới đối với ngành y tế Việt Nam. Đến nay, kỹ thuật này mới bước đầu được thực hiện tại bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp, TPHCM.

BS Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu cho hay: “Từ trước đến nay, hầu hết bệnh nhân gặp phải các bệnh lý tim mạch, sau phẫu thuật đều xuất viện về nhà. Việc tập luyện phục hồi chức năng tim mạch cho người bệnh gần như chưa được quan tâm, hỗ trợ nên chất lượng sống của họ giảm sút, số người bị tái phát bệnh ở mức cao”.

Trên thực tế, giải pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng tim mạch là điều rất cần thiết để kiểm soát các yếu tố nguy cơ mạch vành, cải thiện hoạt động của hệ thần kinh tự động, làm tăng thể tích bóp và cung lượng tim đồng thời cải thiện chức năng của phổi và hệ cơ xương, đảm bảo sự thông suốt của lòng mạch, giảm tỷ lệ tái phát bệnh...”

Theo đó, người bệnh tim mạch sẽ được hệ thống thiết bị (CPX) ghi nhận các thông số, đánh giá chức năng tim mạch, hô hấp qua các bài tập hiếu khí, bài tập kháng lực dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên và bác sĩ chuyên khoa tim mạch với thời lượng 3 đến 5 lần mỗi tuần, mỗi lần tập từ 20 đến 30 phút.

Khi trái tim hoàn toàn khỏe mạnh (khoảng 3 đến 6 tháng) bác sĩ sẽ hướng dẫn thêm các bài tập tại nhà kết hợp với thuốc hỗ trợ điều trị (nếu có) và chế độ ăn uống hợp lý để bảo vệ, duy trì sức khỏe, tránh nguy cơ mắc bệnh.

Lưu ý là có một số trường hợp (cụ thể qua thăm khám) bị chống chỉ định với phương pháp phục hồi chức năng tim mạch.

Được biết phục hồi chức năng tim mạch hiện đã triển khai hiệu quả tại nhiều nước phát triển, trong đó có Nhật Bản. Dự kiến, sau thí điểm tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, Điều trị bệnh nghề nghiệp, phương pháp trên sẽ nhân rộng ra các bệnh viện trên địa bàn thành phố với kỳ vọng sẽ chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho bệnh nhân tim mạch sau phẫu thuật.