Gần 1.300 lãnh đạo ngành y phải rời ghế
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết năm 2018, ngành y tế tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế (TTYT) làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh ở tuyến tỉnh, thành trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh (CDC).
Sáp nhập vào một đầu mối
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, thực hiện theo Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BNV-BYT giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục hướng dẫn các địa phương tổ chức sáp nhập lại các TTYT có cùng chức năng về y tế dự phòng vào CDC như nói trên. Theo kế hoạch sắp xếp, sẽ giảm trung bình mỗi tỉnh 5 đơn vị và tiến tới giảm 315 đơn vị tại 63 tỉnh, thành. Đến thời điểm này đã có khoảng 40 tỉnh, thành thực hiện việc sáp nhập này.
Song song đó là sáp nhập bệnh viện và TTYT huyện thành TTYT huyện 2 chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế để giảm 450 đầu mối, tương đương với việc giảm khoảng 1.800 vị trí lãnh đạo (1 cấp trưởng, 3 cấp phó). Hiện đã có 202/450 cơ sở thực hiện sáp nhập.
Việc sáp nhập y tế tuyến cơ sở sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Cũng theo ông Tác, khó khăn mà các địa phương phải đối mặt là bài toán tái bố trí nhân sự sau khi sắp xếp lại cơ sở y tế theo mô hình CDC, trong đó có việc phân bổ các chức danh lãnh đạo. Hiện tại, hầu hết các tỉnh đều có rất nhiều TTYT cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng, như TTYT dự phòng, trung tâm kiểm dịch y tế, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm kiểm nghiệm, trung tâm phòng chống bệnh xã hội... Tạm tính với mức trung bình mỗi tỉnh, thành có 6 trung tâm (có nơi lên tới 9, 12 trung tâm), tương ứng có 6 giám đốc, 18 phó giám đốc, sau khi sắp xếp lại theo mô hình CDC chỉ còn 1 giám đốc, dôi ra 5 giám đốc và 15 phó giám đốc. Tính chung cả nước có gần 1.300 giám đốc, phó giám đốc và 12.000 cán bộ hành chính bị dôi dư.
Đến thời điểm này, Hà Nội đã tổ chức lại 9 đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng theo hướng sáp nhập chung vào một đầu mối theo mô hình CDC; 17 tỉnh, thành khác đang tiếp tục triển khai. Tổng số biên chế đã thực hiện tinh giản là 2.140 trường hợp.
Mỗi năm tiết kiệm ngàn tỉ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc sáp nhập không chỉ tiết kiệm ngân sách do cắt giảm nhân sự gián tiếp vốn đang cồng kềnh mà còn thêm nguồn lực đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chỉ riêng việc 1.300 vị trí lãnh đạo như nói trên, đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 93,6 tỉ đồng/năm (tính trung bình mỗi người 6 triệu đồng/tháng). Số người làm việc được xác định trên cơ sở vị trí việc làm (theo Luật Viên chức) dự kiến giảm khoảng 2.140 người (chủ yếu làm công việc hành chính như tài xế, thủ quỹ, văn thư, kế toán…), tiết kiệm khoảng 154 tỉ đồng/năm.
Đối với tuyến y tế địa phương, sau khi sắp xếp lại, dự kiến khoảng 35.000 trường hợp không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ở tuyến huyện, nếu hợp nhất 420 TTYT huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo sẽ giảm 121 tỉ đồng/năm. Đồng thời, nhờ giảm 10.899 người làm hành chính, ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỉ đồng/năm.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về nhân sự như vậy, hướng giải pháp được đưa ra là những người giỏi chuyên môn sẽ chuyển sang làm công tác chuyên môn, ai giỏi quản lý sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. Bên cạnh đó sẽ duy trì việc luân phiên cán bộ để tìm ra lãnh đạo thật sự giỏi quản lý. Với đội ngũ hành chính, bảo vệ, tổ chức cán bộ…, phương án giải quyết là chuyển công tác hoặc tinh giản biên chế, bảo đảm chỉ có 18%-20% số người làm hành chính, giữ nguyên 80%-82% làm công tác chuyên môn. Mục đích cuối cùng là tinh gọn đội ngũ lãnh đạo, giảm hành chính, tăng cường phục vụ công tác chuyên môn.
Theo lộ trình, việc thực hiện sáp nhập phải hoàn thành trước năm 2020.