Phụ nữ và quyền năng kinh tế
“Các nền kinh tế APEC cần tăng cường trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Phụ nữ phải được đặt vào vị trí trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế. Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững”.
Phát biểu của bà Lakshmi Puri, Phó Tổng Giám đốc UN Women, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) tại “Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC” được tổ chức tại Huế cuối tháng 9 vừa qua cũng chính là thông điệp sẽ được gửi gắm tới Hội nghị cấp cao APEC tháng 11 tới.
50% phụ nữ làm lãnh đạo và cao hơn nữa
Đó là con số đầy hy vọng mà Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đưa ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cuối tháng 9 vừa qua. Theo Phó Chủ tịch nước, để nâng cao sự tham gia, đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng thì yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. |
Phó Chủ tịch nước cho biết, các báo cáo của LHQ cũng như báo cáo của các viện nghiên cứu đều khẳng định sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Theo kết quả khảo sát thực hiện tại 2.360 doanh nghiệp của Viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sỹ) cho thấy, những doanh nghiệp có ít nhất 1 nữ lãnh đạo có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức bình quân và được đánh giá cao hơn trên thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, khắp thế giới ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ thành đạt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế đã có rất nhiều nữ CEO, nữ doanh nhân thành công và nổi tiếng trên thế giới.
Dẫn lời nữ giám đốc điều hành của facebook, bà Sheryl Sandberg, một trong những nữ doanh nhân công nghệ thành công nhất thế giới, rằng: “Tôi mong đợi đến một ngày mà một nửa số căn nhà của chúng ta sẽ được chăm lo bởi nam giới và một nửa các công ty và tổ chức sẽ do phụ nữ điều hành”, Phó Chủ tịch nước hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ; số lượng nữ lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ chiếm đến 50% và cao hơn nữa.
Và rằng, “Muốn tìm người điều hành công ty, hãy giao cho phụ nữ vì phụ nữ phần lớn nhạy cảm và quan tâm tới những người khác nhiều hơn nam giới; là doanh nhân, đừng bao giờ bỏ cuộc. Ngày hôm nay rất khó khăn, ngày mai có thể sẽ tồi tệ hơn, nhưng ngày kia sẽ là một ngày rực rỡ”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn lại 2 trong 8 bài học thành công của tỷ phú nổi tiếng người Trung Quốc Jack Ma - Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba.
Trao quyền cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh
Mong muốn, hy vọng là một chuyện nhưng để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và có quá nhiều thách thức, có lẽ cần nhiều hơn những “lực đẩy”, hay nói một cách khác là tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ thể hiện quyền năng kinh tế.
Để làm được điều này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Chúng ta cần xác định những thách thức cũng như cơ hội đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong các nền kinh tế, những kinh nghiệm và thực tiễn tốt giúp nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong nền kinh tế.
Đồng thời làm rõ vai trò của Chính phủ, doanh nghiệp trong việc tạo hành lang pháp lý cho phụ nữ tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh và tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia năng động trên thương trường; cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ và được lắng nghe cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế.
Bà Lakshmi Puri - Phó Tổng Giám đốc UN Women, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký LHQ. |
Đặc biệt, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mục tiêu Bogo trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.
Cuối cùng, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận thử thách để tiến lên phía trước.
Cùng quan điểm với nhà lãnh đạo Việt Nam, phát biểu tại phiên khai mạc “Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC”, bà Lakshmi Puri - Phó Tổng Giám đốc UN Women, Cố vấn cấp cao của Tổng thư ký LHQ cho rằng: Các nền kinh tế APEC cần làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đầy kinh tế APEC. Phụ nữ được trao quyền sẽ có cơ hội làm việc bình đẳng hơn và năng suất hơn. Trao quyền cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh và quan trọng. Phụ nữ phải được đặt vào trung tâm để mang lại những giá trị đặc biệt cho nền kinh tế.
Bà cũng nêu rõ các mục tiêu về phát triển bền vững đến năm 2030 cũng đề cập sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế. Trao quyền được cho là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để có được sự tham gia của hơn 50% phụ nữ làm chủ trong các doanh nghiệp.
Nhấn mạnh lợi ích của trao quyền cho phụ nữ, bà Lakshmi Puri cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”./.