Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang tại buổi lễ. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN) |
Tối 6/1, tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai, ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành (Tây Ninh), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai lịch sử (26/1/1960-26/1/2020).
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đông đảo người dân trong tỉnh dự chương trình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, sau năm 1954, Mỹ hất cẳng Pháp để thống trị miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và tiến hành cuộc chiến tranh một phía ngày càng gay gắt, ác liệt. Trước tình hình đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối, phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam, thể hiện tập trung trong Nghị quyết số 15 (tháng 1/1959). Nghị quyết khẳng định rõ con đường cách mạng ở miền Nam là bạo lực cách mạng: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân,... lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, dựng nên chính quyền Cách mạng của nhân dân.
Nghị quyết số 15 của Trung ương ra đời đã phản ánh đúng đắn nhu cầu của lịch sử, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của chiến sỹ, đồng bào miền Nam, tạo ra sự chuyển biến căn bản và nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, với sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ, Ban Quân sự miền Đông, tinh thần chủ động của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Bộ đội chủ lực của miền Đông Nam Bộ kết hợp với quân, dân Tây Ninh mở cuộc tập kích vũ trang tấn công vào căn cứ Tua Hai do Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 của Ngụy quân trấn giữ vào lúc 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960. Với phương châm: “Bí mật, bất ngờ”, “Hai chân, ba mũi”, “3 thứ quân”, binh vận kết hợp khởi nghĩa vũ trang nên chỉ sau 3 giờ, quân, dân Tây Ninh đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Tua Hai, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu của hàng trăm tên địch, bắt gần 500 tù binh, thu trên 1.000 vũ khí các loại.
Từ khí thế trận Tua Hai, quân và dân Tây Ninh tiếp tục kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh và binh vận, đẩy mạnh tiến công, bóc gỡ hơn 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, rộng khắp, lan tỏa toàn Nam Bộ, góp phần cùng cả nước làm nên từ chiến thắng này tới chiến thắng khác và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chiến thắng Tua Hai đã ghi thêm mốc son vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, ghi thêm chiến công tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến thắng hiện thân cho ý chí, khát vọng, niềm tin tất thắng của cả dân tộc vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng Tua Hai là niềm tự hào của Đảng bộ, quân, dân Tây Ninh, để lại nhiều bài học quý báu không chỉ cho Đảng bộ, nhân dân Tây Ninh, Đảng bộ, nhân dân miền Đông Nam Bộ, còn để lại ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm cho Đảng ta trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Ôn lại truyền thống 60 năm và khẳng định ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Tua Hai, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh nêu rõ: Phát huy, vận dụng những bài học quý báu của Chiến thắng Tua Hai, Đảng bộ, quân, dân Tây Ninh đã kiên cường cùng quân dân miền Nam và cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cũng chính từ những bài học to lớn đó, Đảng bộ Tây Ninh đã lãnh đạo quân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế 10 năm trên đất bạn Campuchia.
Qua 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tây Ninh đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Những công trình lớn, những con đường rộng, những mảng xanh trù phú đã phủ rộng trên mảnh đất từng bị bom đạn cày xới xưa kia; diện mạo đô thị và nông thôn được đổi mới. Tây Ninh hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, bình yên và đáng sống. “Nhưng Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh hôm nay không chủ quan, không bằng lòng với những thành quả hiện tại. Chúng ta có khát vọng lớn hơn, trách nhiệm cao hơn, để đưa Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa - trước Đảng, Nhà nước, trước các thế hệ đi trước và trước yêu cầu mới của nhân dân Tây Ninh hôm nay". Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh khẳng định./.