Mỗi năm làm được... 1km đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (!)
Mỗi năm làm 1km đường sắt?
Chiều 20/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi khảo sát các dự án đầu tư công của TP Hà Nội, gồm Dự án mở rộng đường vành đai 3 từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long (sử dụng ngân sách nhà nước), Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (sử dụng vốn ODA).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công trường dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội |
Báo cáo Phó Thủ tướng tại công trường Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc dự án cho biết: Dự án đường sắt thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 3 có chiều dài 12,5 km, được khởi công năm 2010 và có tiến độ hoàn thành đã được điều chỉnh đến tháng 12/2018.
Tuy nhiên theo ông Minh, do gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả chủ quan và khách quan nên đến nay dự án mới thi công được 41% khối lượng công việc (đây là dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ nhất hiện nay - PV).
“Do tiến độ dự án bị chậm trễ kéo dài nên thời gian kết thúc dự án phải kéo dài đến cuối năm 2022. Hiện nay, UBND thành phố đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án”, ông Minh báo cáo.
Giải thích về việc dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, ông Minh cho biết do năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư đối với các dự án lớn và phức tạp còn hạn chế; công tác quản lý hợp đồng với tư vấn Systra còn nhiều bất cập. Tư vấn Systra là tư vấn lớn nhiều kinh nghiệm về đường sắt đô thị nhưng thiếu kinh nghiệm vệ hệ thống quản lý, quy trình thủ tục ở Việt Nam, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ nghiêm trọng |
Ông Minh cũng thông tin, do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tiến độ thi công bị ảnh hưởng…
Về vốn và công tác giải ngân, ông Minh cho biết, năm 2017 dự án được giao giải ngân 1.641, tuy nhiên nhu cầu thi công thực tế cần đến 3.320 tỷ. Năm 2018 được giao giải ngân 1.100 tỷ, nhưng nhu cầu thực tế là hơn 2.500 tỷ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, từ kế hoạch giải ngân đã được lập, các đơn vị và Hà Nội cần rà soát lại kế hoạch sử dụng vốn cho từng thời điểm, từ đó có các đề xuất, kiến nghị để lãnh đạo Chính phủ xem xét, điều chỉnh kịp thời.
“Có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm”
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu Quốc hội sắp tới phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị thì Hà Nội kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, tăng trần chi và giải ngân từ nguồn vốn ODA.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, những năm qua, đặc biệt năm 2018, Hà Nội có tỷ lệ giải ngân luôn cao hơn mức chung của cả nước. Tuy nhiên trong năm 2018, thành phố phải hoàn thành và đưa vào sử dụng 89/117 công trình trong khi tới nay mới triển khai được gần 10 công trình. Đây sẽ là thách thức cần được tập trung thực hiện, giúp cả nước hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (trái) và Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (phải) trong buổi làm việc chiều 20/4 |
“Chúng ta có tiền mà không tiêu được rất là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động và thuế cho ngân sách nhà nước, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Do vậy, ngoài đoàn công tác của Chính phủ đốc thúc các địa phương, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động kiểm tra, đôn đốc từng sở, ngành, địa phương. Nhiệm vụ còn rất nặng nề từ GPMB đến triển khai các dự án nhất là khắc phục tình trạng sợ sai trong ra quyết định.
“Đương nhiên chúng ta phải làm đúng, làm nhanh, có tính quyết đoán, tăng cường bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong xây dựng kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Anh nào không quyết đoán được hay ôm hồ sơ, xử lý chậm phải gạt sang một bên để thay thế.” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc quản lý nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn về thẩm quyền quyết định, phân cấp hơn nữa cho địa phương đặc biệt là dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương...
Các Bộ và TP Hà Nội đánh giá khả năng nhu cầu giải ngân với 3 dự án đường sắt đô thị bổ sung để các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời kế hoạch đầu tư công trung hạn.