Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Hội nghị trực tuyến “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Ccả nước đang đứng trước áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển.

Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật”, hội nghị đã lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng Doanh nghiệp về thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hoá. Đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các địa phương, các Doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn và đại diện một số tổ chức quốc tế cũng đã trao đổi, chia sẻ nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay tại thị trường trong nước và trên thế giới, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động bối cảnh sau đại dịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt 4 giải pháp nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 và 7 giải pháp lâu dài đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, qua đó góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Các ý kiến, trao đổi tại hội nghị sẽ được tổng hợp, làm căn cứ để cơ quan chuyên môn tiếp tục bổ sung, điều chỉnh chiến lược phát triển thị trường lao động trong nước từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới; đồng thời góp phần ổn định và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong bối cảnh phát triển mới.