Phát hiện ổ dịch thủy đậu trong khu chế xuất
“Nếu Công ty TNHH Gunze Việt Nam (Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) báo cáo sớm và phối hợp tốt hơn với ngành y tế thì khả năng công nhân mắc thủy đậu không nhiều như thế”. Sáng 3-1, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP.HCM, cho biết.
Chưa đầy một tuần, 31 ca thủy đậu
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm YTDP quận 7, từ ngày 17-11 đến 22-12-2016, Công ty TNHH Gunze Việt Nam ghi nhận tổng cộng 31 ca mắc thủy đậu. Trong đó, 30 ca ở phân xưởng may và một ca ở phân xưởng cắt. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 12/31 ca không có tiếp xúc với nguồn lây từ cộng đồng trước đó.
“Đây là ổ dịch thủy đậu lây lan trong cùng phân xưởng may của Công ty TNHH Gunze Việt Nam. Do không phát hiện kịp thời ca bệnh đầu tiên nên xuất hiện nhiều ca bệnh thứ phát. Cơ quan y tế cần điều tra dịch tễ thêm tại công ty và cộng đồng để biết chính xác thông tin ca bệnh và diễn tiến lây lan của bệnh” - BS Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm YTDP quận 7, nhận định.
Theo BS Đăng, Trung tâm YTDP quận 7 hướng dẫn Công ty TNHH Gunze Việt Nam cho công nhân mắc bệnh được nghỉ và chỉ đi làm trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, sốt thì nên cho nghỉ.
Cũng theo BS Đăng, Trung tâm YTDP quận 7 đề nghị Công ty Gunze Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt việc xác minh nguyên nhân nghỉ ốm của công nhân để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới. Công ty cũng truyền thông người mắc bệnh không nên tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ dưới một tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Một công nhân bị bệnh thủy đậu đang được điều trị tại BV quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh minh họa: TRẦN NGỌC |
Giám sát bệnh qua… điện thoại
Tuy nhiên, theo BS Lê Hồng Nga, chiều 23-12, Công ty TNHH Gunze Việt Nam gọi điện thoại đến Trung tâm YTDP TP.HCM báo nhiều công nhân bị thủy đậu và đề nghị hướng dẫn xử lý. Sau đó, Trung tâm YTDP TP.HCM kết hợp Trung tâm YTDP quận 7 đến công ty này để kiểm tra ổ dịch. Thế nhưng bảo vệ công ty không cho vào với lý do ban giám đốc đi vắng.
Sáng hôm sau (24-12), nhờ sự tác động của Ban Quản lý các KCX và khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (HEPZA), công ty này mới mở cổng cho nhân viên y tế vào để điều tra, đánh giá sơ bộ và hướng dẫn xử lý dịch bệnh.
Theo BS Nga, theo quy định, khi phát hiện có hai ca bệnh trong vòng 14 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải báo cáo với ngành y tế và cùng phối hợp xử lý để tránh lây lan. Ca bệnh đầu tiên là ngày 17-11, thế nhưng đến ngày 23-11 Gunze Việt Nam mới báo với ngành y tế. Do báo cáo trễ, lại chỉ cho ngành y tế vào công ty giám sát một lần nên dịch bệnh lây lan khá nhanh.
“Những lần sau đó, công ty trên tiếp tục không cho nhân viên y tế vào để giám sát và đánh giá tình hình bệnh với lý do… dịch bệnh đã hết. Công ty này còn đề nghị cơ quan y tế muốn gì thì trao đổi qua mail hoặc điện thoại” - BS Nga nói.
BS Nga cho biết thêm hiện vụ việc đã được báo cáo với Sở Y tế TP.HCM. Sở đã chỉ đạo Trung tâm YTDP TP phải giám sát thực tế hoạt động phòng, chống bệnh thủy đậu của Công ty TNHH Gunze Việt Nam.
“Sáng mai (4-1), Trung tâm YTDP TP.HCM cùng các cơ quan liên quan sẽ làm việc trực tiếp với Ban quản lý KCX Tân Thuận và Công ty TNHH Gunze Việt Nam để xem công ty này có thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế về phòng ngừa lây lan dịch bệnh thủy đậu hay không” - BS Nga nói.
Theo BS Nga, nếu không thực hiện việc cách ly người bệnh, không khử khuẩn hằng ngày thì nguy cơ gia tăng bệnh thủy đậu sẽ xảy ra không chỉ trong công ty mà còn ngoài cộng đồng.
Bệnh thủy đậu đang vào mùa
Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển của virus thủy đậu. Bệnh truyền qua đường hô hấp và lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Thủy đậu là bệnh nhiễm virus cấp tính toàn thân với khởi bệnh đột ngột, sốt nhẹ. Bên cạnh đó xuất hiện những nốt sần kéo dài trong vài giờ, sau đó thành mụn nước 3-4 ngày. Phụ nữ nhiễm thủy đậu trong thời kỳ mang thai có thể liên quan tới dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Nguyên nhân dẫn đến tử vong do thủy đậu ở người lớn là biến chứng viêm phổi. Riêng ở trẻ em là biến chứng nhiễm trùng huyết và viêm não. Tiêm ngừa vaccine là biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả. Người lớn chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu cũng có thể tiêm trong thời điểm này.
BS LÊ HỒNG NGA, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm YTDP TP.HCM
Ngày 23-12-2016, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA) về việc triển khai biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các KCN, KCX. Theo đó, các đơn vị phải báo cáo ngay cho trung tâm YTDP quận, huyện khi có từ hai công nhân nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm xảy ra trong vòng 14 ngày. Đồng thời thực hiện báo cáo hằng ngày tình hình dịch bệnh trong công ty, nhà máy khi có yêu cầu chống dịch của trung tâm YTDP quận, huyện.