Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong tuần cuối của tháng 3/2018, trên địa bàn thành phố có 52 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Số ca mắc tay chân miệng đã tăng 52% so với cùng kỳ của 4 tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng là 412 trường hợp.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện trung bình mỗi ngày đang điều trị cho khoảng 15 đến 20 trường hợp bị tay chân miệng nặng, có biến chứng. Đa số bệnh nhi mắc tay chân miệng giai đoạn nhẹ hiện đều được chỉ định điều trị ngoại trú nên số trẻ nhiễm bệnh trên thực tế thường cao hơn rất nhiều so với con số thống kê tại các bệnh viện.

benh tay chan mieng o tre em vao mua
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phụ huynh nên chủ động bảo vệ con em mình

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm cho hay, nếu so sánh số ca nằm viện điều trị với giai đoạn cao điểm của bệnh thì hiện tại trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị không nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6 với những tác động của điều kiện thời tiết bệnh tay chân miệng sẽ bước vào giai đoạn gia tăng, nếu không có giải pháp phòng và xử lý ca bệnh, ổ dịch triệt để sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh phát tán trên diện rộng.

BS Hữu Khanh khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ cho cộng đồng, trẻ mắc bệnh cần được phát hiện sớm để cách ly, điều trị. Trẻ mắc bệnh tuyệt đối không nên đến lớp khi chưa điều trị khỏi bệnh hoàn toàn (có xác nhận của bác sĩ - PV). Các bậc phụ huynh đặc biệt là những người mẹ cần phải học và nắm vững những dấu hiệu biến chứng của tay chân miệng như trẻ sốt cao khó hạ, sốt liên tục hơn 2 ngày; trẻ nôn ói, giật mình… phải đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ chuyên môn.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ bệnh hoặc gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa vi rút. Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo phụ huynh và người trông giữ trẻ: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng và nơi sinh hoạt của trẻ; đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống chín, tuyệt đối không cho trẻ ăn chung muỗng, chén…