Pháp - Việt hợp tác tìm “lối ra” cho bệnh gút
Các nghiên cứu sẽ tiến tới mục tiêu tìm ra giải pháp tối ưu cho phòng và trị bệnh gút |
Thông tin từ BS Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút cho hay, gút là bệnh do axit uric dư thừa dẫn đến hình thành các tinh thể ở khớp. Các tinh thể này kích hoạt cơn đau dữ dội, cấp tính và cuối cùng phá hủy khớp. Nếu bệnh nhân không được điều trị chống lại việc gia tăng lắng đọng, các lắng đọng sẽ ngày càng nặng hơn, xuất hiện các biến chứng dẫn đến tàn phế, phá hủy khớp, hình thành các cục tophi xâm lấn cơ thể, đặc biệt là ở dưới da và thận, ảnh hưởng đến chất lượng sống, sinh mạng của người bệnh.
Những trường hợp bệnh gút kết hợp với cao huyết áp, có thể dẫn đến tiểu đường, bệnh tim và suy thận, một phần là do các tinh thể lắng đọng trong thận. Bệnh gút thường được xem là bệnh cấp tính và không thể chữa được, điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng viêm, nguy cơ gây hại cho dạ dày, thận và tim. Nhiều bệnh nhân điều trị bằng dẫn xuất của cortisol có tác dụng giảm viêm, nhưng không hạ axit uric và là nguồn gốc của các biến chứng béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, loãng xương.
Ở Việt Nam, bệnh nhân gút đôi khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Các lời khuyên, rất quan trọng, về lối sống (tập thể dục, giảm cân, hạn chế thức uống có cồn, nhất là bia và rượu mạnh) và giáo dục điều trị ít khi được đưa ra. Nhìn chung, các khuyến nghị quốc tế về điều trị bệnh gút dường như ít được tuân thủ. Ngoài điều trị bệnh gút, cần phải nhắm đến điều trị các bệnh kèm theo.
Bệnh gút đang trở thành gánh nặng cho cộng đồng với nhiều biến chứng nguy hiểm |
Với mục tiêu tìm ra giải pháp phòng bệnh, điều trị hiệu quả, Chính phủ Pháp đã chủ động phối hợp cùng các cơ sở y tế tại TPHCM lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh Gút (ngày 20/6). Ông Emmanuel LY - BATALLAN, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM cho hay, mục tiêu của các nghiên cứu hướng tới cải thiện việc điều trị bệnh gút bằng cách tối ưu hóa mô hình điều trị, đồng thời tìm hiểu rõ về vòng xoắn bệnh lý của gút với các bệnh có liên quan.
Hệ thống cơ sở dữ liệu của quá trình nghiên cứu với sự hỗ trợ từ Trường Đại học Paris 7, khi triển khai hoàn thiện sẽ là cơ sở dữ liệu duy nhất trên thế giới, là nguồn dữ liệu quý cho tất cả các nhà nghiên cứu. Theo đó, Trường đại học Y Dược TPHCM sẽ thực hiện các nghiên cứu về dịch tễ học bệnh gút để hiểu rõ mức độ của bệnh gút đối với sức khỏe cộng đồng.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhiều đơn vị y tế khác sẽ nghiên cứu các biểu hiện của bệnh gút ở khớp, đặc biệt là ở thận và tim. Nghiên cứu về gen cũng sẽ được triển khai trên nhiều bệnh nhân có đặc điểm rõ ràng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Y Dược TPHCM. Trong tương lai, các nghiên cứu này sẽ làm sáng tỏ các mục tiêu đích trong điều trị. Ngoài ra, trung tâm sẽ mở rộng hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước, để sớm đạt được kết quả tối ưu trong phòng và điều trị bệnh gút.