Cấy chỉ điều trị bệnh gút
Ngày nay, không khó để bắt gặp những người nhăn nhó, than đau vì bệnh gút. Nhiều người khớp còn nổi cục, biến dạng. Bệnh gây đau, gây tâm lý hoang mang, mất ăn, mất ngủ cho người bệnh. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 8,3 triệu người bị gút, chiếm tỉ lệ 3,9% số người lớn. Số người bị bệnh gút tại Việt Nam cũng đang dần tăng lên (có lẽ là tỉ lệ thuận với mức độ tiệu thụ bia rượu?). Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong vòng 10 năm, từ 1991 - 2000 cho thấy, bệnh gút chiếm tỉ lệ 8,57%, vươn lên đứng hàng thứ tư các bệnh về khớp được điều trị tại đây.
BS.CKII Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết: Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt giúp bệnh nhân cải thiện chứng bệnh và có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Cấy chỉ chữa bệnh gút |
Cụ thể: cấy chỉ là phát triển kỹ thuật cao của phương pháp châm cứu của y học cổ truyền, bằng cách đưa sợi chỉ tự tiêu vô huyệt (chỉ catgut hoặc chỉ tiêu khác), khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ. Khi dùng phương pháp cấy chỉ mang lại 2 lợi ích cho người bệnh.
Thứ nhất là tăng hiệu quả của các huyệt ở cả 2 nhóm tác dụng chống viêm, giảm đau và tăng cường kích thích lên tạng phủ liên quan để điều hòa công năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể: trong bệnh gút khi cấy vào các huyệt bổ tỳ - bổ thận giúp điều hòa công năng của tạng tỳ giúp chống rối loạn vận hóa (giúp điều hòa chuyển hóa axít uric), giúp bổ thận (điều hòa thải trừ axít uric).
Thứ hai là tiết kiệm thời gian cũng như tài chính, do liệu trình cấy chỉ trung bình 2 - 4 tuần cấy 1 lần, thường chỉ cấy 3 lần.
Cấy chỉ nhằm mục đích giúp cho điều hòa chức năng thận; từ đó tăng thải trừ axít u ric. Khi bệnh nhân bị đau biến dạng khớp cấy chỉ tại các huyệt tại chỗ (gần vùng khớp bị sưng đau), ví dụ ở khớp gối với các huyệt: Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, Huyết hải, Lương khâu…; toàn thân cấy chỉ vào các huyệt bổ thận, bổ tỳ: Thận du, Can du, Phi dương, Dương lăng tuyền (huyệt chủ để bổ gân), Tuyệt cốt (bổ xương), tỳ du, vị du, túc tam lý (bổ tỳ)…
Qua thực tế điều trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, bằng hướng tiếp cận tích cực trên, ghi nhận bệnh nhân gút được điều trị bằng cấy chỉ cho hiệu quả cao ở cả tác dụng giảm đau và chống tái phát, đặc biệt ở bệnh nhân viêm khớp gút mạn. Bệnh nhân cũng cần được phối hợp thay đổi lối sống, sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ giàu chất béo.