Phải quy định rõ cơ chế giám sát để tránh chồng chéo, phiền hà
Sáng 14/4, trong phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các thành viên của Ủy ban đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (liên tịch giữa 3 bên Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
Tại phiên họp, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí về việc cần có sự phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan quyền lực nhà nước. Theo đó, cần phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương với kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương với Hội đồng Nhân dân cùng cấp theo hướng không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc, lĩnh vực, một nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định.
Để tránh sự chồng chéo, phiền hà trong giám sát, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết cần phân cấp rõ hơn cơ chế giám sát.
“Cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát của ta hiện nay trùng nhau quá nhiều, gây phiền phức cho các đối tượng kiểm toán. Vì vậy, cơ chế giám sát của Mặt trận nên nhằm vào những đối tượng được giao nhiệm vụ kiểm toán, ví như cấp Trung ương chủ yếu giám sát Tổng Kiểm toán Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ, tương ứng như vậy ở cấp địa phương. Theo tôi như vậy hiệu quả hơn và đỡ gây phiền hà cho các đối tượng giám sát ở cấp dưới; đồng thời không gây lãng phí nhân lực, dành quá nhiều thời gian để lo khâu thanh tra, kiểm toán, giám sát”, ông Thanh nêu quan điểm.
Ông Ngô Trung Thành góp ý kiến. |
Các ý kiến tại phiên họp nhất trí với việc quy định về trình tự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuy nhiên, Nghị quyết cần quy định rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải lập chương trình, nội dung kế hoạch giám sát theo từng thời kỳ, từng thời gian để hướng dẫn ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng phối hợp cụ thể.
Ông Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp Luật đề nghị: “Cần quy định cụ thể hóa giám sát của mặt trận thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng bằng cách bổ sung mối quan hệ giữa giám sát của Ban Thanh tra nhân dân với Ban giám sát đầu tư cộng đồng”./.