Phải có một kịch bản phát triển tổng thể, bền vững cho ĐBSCL
Trong khuôn khổ hội nghị cấp Chính phủ về “Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, ngày hôm nay (26/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phiên chuyên đề song song “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì phiên chuyên đề này.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sau 42 năm giải phóng và gần 30 năm Đổi mới, ĐBSCL đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một vùng đất hoang sơ, nông nghiệp giản đơn chủ yếu là lúa nổi, ĐBSCL đã trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với những thành tựu nổi bật, góp phần phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo. Ngành nông nghiệp cũng đã có rất nhiều nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu đã được triển khai tại đồng bằng trên tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng ĐBSCL đang đối diện với những thách thức vô cùng to lớn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn, khí hậu cực đoan và thiên tai.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: "Ngày xưa ở Kiên Giang đến trước năm 2000 thì gần như không sạt lở bờ biển. Bờ biển bồi hàng năm lấn ra. Nhưng hiện nay sạt lở ở Kiên Giang rất nhiều. Có những cánh rừng đước cây rất to nhưng sạt lở ở dưới thì đến một thời gian cây đước ngã xuống là mất luôn".
Một thời gian dài, việc khai thác tài nguyên cát ở mức mất kiểm soát. |
Phân tích của các nhà khoa học tại phiên chuyên đề cho thấy Đồng bằng Sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng rất của các hoạt động phát triển thượng nguồn, sự suy kiệt thảm thực vật, sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nông nghiệp gây ra những nguy cơ về thay đổi chế độ thủy văn dẫn đến thiếu nước về mùa khô, giảm lượng phù sa, bùn cát, giảm đa dạng sinh học và nguồn cá tự nhiên, đẩy sớm và tăng cường độ xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở và các thiên tai.
Trong đó, qua thống kê sạt lở từ năm 2010 trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Hiện nay có 513 điểm sạt lở với tổng chiều dài 520km.
Sạt lở ở các địa phương ven sông Tiền, sông Hậu đang gây mất an toàn cho cư dân. |
Mặt khác, việc phát triển nông nghiệp dựa trên thâm canh nông nghiệp và khai thác tài nguyên như trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều điểm chưa bền vững. Việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh 3 vụ/năm đã tác động nghiêm trọng đến không gian chứa lũ, dòng chảy lũ, nước ngầm, độ phì nhiêu của đất và môi trường.
Phát triển thủy sản thiếu bền vững những năm trước đây cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến rừng ngập mặn các vùng ven biển, làm gia tăng sạt lở và xâm nhập mặn. Phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô lớn làm gia tăng lấn chiếm lòng, bờ kênh rạch, gây ô nhiễm môi trường nước. Gần đây, việc khai thác cát quá mức và sử dụng nước ngầm bừa bãi thiếu quy hoạch gây sụt lún và sạt lở bờ biển, giảm bùn cát bồi đắp.
GS,TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam, nêu rõ: "Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho rằng ĐBSCL đang lún. Lõi lún nằm ở vùng Cà Mau với tâm lún khoảng 30 milimet một năm và biến động cho đến 1-10 milimet/năm ở những vùng khác. Ngiên cứu thứ 2 là của Viện địa chất Nauy cho thấy những con số khoảng 19 đến 28 milimet/năm. Nghiên cứu thứ 3 là của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam thì ở mức khoảng 17 mm/năm đối với trạm Gành Hào. Các nghiên cứu cũng đều đánh giá rằng khai thác nước ngầm vẫn là yếu tố chính".
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên chuyên đề. |
Tại phiên chuyên đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nêu rất rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc tập hợp các giải pháp, mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH cho ĐBSCL. Bởi nếu không có quyết tâm và giải pháp phù hợp, ĐBSCL sẽ đối diện với nguy cơ suy giảm năng lực cạnh tranh, tụt hậu trong phát triển thậm chí đối diện với nguy cơ bị phá hủy hệ sinh thái, bất ổn về sinh kế và xáo trộn về xã hội.
"Không chỉ thích ứng mà cũng phải ứng phó. Trong đó, sạt lở bờ biển, bờ sông phải ứng phó; hạn chế nhiễm mặn phải ứng phó; ứng phó với việc thiếu nước ngọt. ĐBSCL không thể phát triển nếu thiếu nước ngọt. Những vấn đề không ứng phó được phải thích ứng. Trong đó, nước nhiễm mặn phải thích ứng. Nước biển dâng phải thích ứng. Xem khả năng ĐBSCL chịu đựng đến đâu để có cách thích ứng. Thích ứng trong việc phát triển sản xuất, trong việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, cục dân cư... Từ thích ứng như vậy, tôi đề nghị có một kịch bản phát triển. Trong đó, phải cấu trúc lại phát triển của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát huy lợi thế so sánh của ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, tái cơ cấu dựa trên các trụ cột tăng trưởng kinh tế theo thứ tự thủy sản, trái cây, lúa gạo. Trong đó lấy thủy sản và trái cây làm chủ lực cùng với phát triển lúa gạo hợp lý làm nền tảng cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
“Phải đựa trên một nghiên cứu tổng thể, một bài toán tổng thể và sắp xếp lại một cách khoa học nhất, thích ứng với cả biến đổi khí hậu của từng vùng miền và thích ứng với điều kiện sản xuât và trình độ sản xuất, rồi văn hóa, thói quen, tập quán của từng vùng miền, từng địa phương thì chúng ta mới giải quyết được. Nếu nông nghiệp đi theo kiểu nông nghiệp, đất đai đi kiểu tài nguyên đất đai, giao thông đề xuất kiểu giao thông thì chúng ta không đi theo một bài toán tổng thể được và lại đơn lẻ, riêng lẻ, manh mún thì không thể giải quyết được vấn đề ĐBSCL.”- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu Hội thảo chuyên đề Quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì diễn ra sáng 26/9, tại Thành phố Cần Thơ.
Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL