Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị
Khu vực này thuộc sự quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đường 9. Lợi dụng thời điểm công ty chuẩn bị bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho địa phương quản lý, người dân vào rừng chặt cây chiếm đất.
Tình trạng này đang diễn ra phức tạp nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Gần 1000 ha rừng của Công ty lâm nghiệp Đường 9 bị xâm lấn. |
Rừng ở Tiểu khu 775 có diện tích 175 héc ta do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đường 9 (Công ty Lâm nghiệp Đường 9) quản lý. 20 năm trước, Công ty bắt đầu trồng cây rừng và giao cho 18 hộ dân ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhận bảo vệ diện tích rừng.
Cuối năm ngoái, tỉnh Quảng Trị phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích này từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch rừng sản xuất. Từ đó, người dân ồ ạt vào rừng chặt thông, keo tràm nhiều năm tuổi để chiếm đất.
Ông Đào Văn Lưu, 81 tuổi, trú tại thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đại diện cho 18 hộ bảo vệ rừng Tiểu khu 775 phản ánh nhiều người dân tự ý vào khu vực này chặt, đốt cây rừng.
Dấu vết chặt cây còn rất mới. |
“Khi phát hiện rừng mất, rừng đang bị phá thì chúng tôi có báo với Ủy ban xã, Ủy ban huyện và công ty Lâm nghiệp Đường 9. Sau đó Ủy ban tỉnh đề nghị huyện Cam Lộ phối hợp giải quyết việc phá rừng theo luật định, rồi Ủy ban huyện Cam Lộ chuyển về cho xã Cam Thành cũng nói như thế. Tôi không biết luật định là như thế nào nhưng rừng bị phá vẫn cứ phá mà không ai can thiệp”, ông Lưu cho biết.
Tại bìa rừng thuộc khoảnh 3 của Tiểu khu 775 dọc Quốc lộ 9 đã xuất hiện nhiều dấu vết cây rừng bị phá. Các cây gỗ thông, gỗ tràm nhiều năm tuổi bị chặt hạ. Rất nhiều cây rừng tự nhiên tái sinh bị phát sạch, nằm ngổn ngang. Thay thế vào đó là cây keo tràm trồng mới được vài ngày tuổi. Càng vào sâu càng thấy nhiều khoảnh rừng bị phá, dấu vết còn mới.
Được biết, Tiểu khu 775 có khoảng 20 héc ta rừng bị xâm phạm và khoảng 8 héc ta đất rừng đã bị chiếm.
Ông Đoàn Văn Được, Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý.
Những cây gỗ tràm lâu năm bị người dân chặt hạ để chiếm đất. |
“Xã phối hợp với kiểm lâm và lực lượng bảo vệ Lâm trường Đường 9 kiểm tra thường xuyên. Bà con họ lấn chiếm họ trồng 2- 3 chu kỳ rồi. Đất của Lâm trường Đường 9 quản lý, đến giờ tỉnh mới yêu cầu lâm trường bàn giao cho huyện thì dân mới vào xin khai thác nhưng khai thác trả lại đất rồi làm liều. Xã đã ra thông báo gửi các hộ dân cấm các hành vi phá rừng, lấn rừng, nếu phát hiện sẽ xử lí theo luật”, ông Đoàn Văn Được nói.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ Hoàng Ngọc Tiến xác nhận, tháng 9/2018, Tiểu khu 775 xảy ra tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng; để mất rừng trước tiên là trách nhiệm của chủ rừng.
“Tại hiện trường đã xảy ra hiện tượng người dân chặt cây, sau khi kiểm tra hiện trường thì chúng tôi đã lập biên bản. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được đối tượng. Việc lấn chiếm diễn ra nhiều năm, trong quá trình đó thì công ty bảo vệ và xử lý không dứt điểm cho nên dẫn đến hệ lụy đến hôm nay”, ông Tiến thừa nhận
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đường 9 cho biết, Công ty được giao quản lý hơn 7.000 hécta đất rừng. Qua rà soát cho thấy, có gần 1000 hécta đất rừng bị người dân lấn chiếm, trong số đó có cả cán bộ, nhân viên của công ty này.
“Quá trình thực hiện cũng rất phức tạp, với góc độ của một doanh nghiệp không thể đứng ra giải quyết được cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành các cấp mới giải quyết được. Nếu người dân vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật, còn việc người dân thiếu đất thì chính quyền phải lo, sắp tới công ty sẽ bàn giao lại cho tỉnh và tỉnh sẽ giao lại cho bà con bố trí đất sản xuất cho bà con”, ông Nguyễn Hồng Thái phân bua.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, công ty đã nỗ lực rất nhiều trong việc ngăn chặn người dân chiếm đất nhưng tình trạng này chưa được xử lý nghiêm. Trong số diện tích đất rừng bị lấn chiếm có hơn 200 hécta đất rừng phòng hộ, số còn lại là đất rừng sản xuất và tập trung chủ yếu ở các xã của huyện Cam Lộ./.