Ông Lê Như Tiến: Vụ ông Vũ Huy Hoàng đã làm thì phải làm triệt để
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công thương (nhiệm kỳ 2011-2016); cảnh cáo nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng về những sai phạm tại Bộ này. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XIII. |
PV: Quan điểm của ông về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
Ông Lê Như Tiến: Tôi rất tán thành và hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Vũ Huy Hoàng đã có những khuyết điểm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu trong kết luận, không chỉ tôi mà các cán bộ lão thành, các cử tri và dư luận xã hội đều rất hoan nghênh.
PV: Những người được Bộ Công thương bổ nhiệm sai quy định như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra thì phải xử lý ra sao, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Tôi nghĩ đã làm thì phải làm triệt để. Không phải chỉ có ông Vũ Huy Hoàng mà còn có những người liên quan đến ông Hoàng. Và khi đã có kết luận thì phải khắc phục hậu quả đó như thế nào. Ví dụ, để cho ai đó thất thoát, lãng phí tài sản thì việc thu hồi tài sản như thế nào.
Tổng Bí thư đã nói nhiều lần, chúng ta làm rất kiên quyết, rất mạnh nhưng thu hồi tài sản không được bao nhiêu thì tính cảnh báo, răn đe cũng chưa thể mạnh. Vì vậy chúng ta phải làm triệt để để lấy lại lòng tin của nhân dân, của cử tri và dư luận xã hội.
PV: Lâu nay, trong việc xử lý các vụ sai phạm thường trách nhiệm của người đứng đầu hay những người liên quan đều chỉ ra rất mờ nhạt nhưng nay trách nhiệm được quy rõ ràng, có địa chỉ cụ thể, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã phải nhận mức kỷ luật cảnh cáo trước những sai phạm của mình. Ông có bình luận gì?
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc đó chính là sự khẳng định về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Không phải nghỉ rồi, thôi chức vụ rồi là “hạ cánh an toàn” mà phải truy đến cùng những người có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng để đưa ra ánh sáng. Dù đang ở cương vị công tác hay không ở cương vị công tác nữa thì cũng phải làm kiên quyết. Như vừa qua là một tín hiệu tốt.
PV: Kết luận này đã thể hiện nguyên tắc quan trọng là mọi người bình đẳng trước pháp luật và người có chức vụ càng cao thì phải chịu mức độ trách nhiệm càng lớn hay chưa, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Nên thực hiện một nguyên tắc, dù bất kỳ ai nếu vi phạm pháp luật, tham nhũng thì đều bị xử lý nghiêm minh. Dư luận còn quan tâm nhiều hơn nữa đó là sau cảnh cáo, những thất thoát, lãng phí, tham nhũng nếu có sẽ bị xử lý tiếp theo như thế nào.
PV: Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bước tiếp theo là xử lý về mặt chính quyền đối với những cán bộ, tổ chức vi phạm như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Về mặt Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc là tốt và đưa đến cho nhân dân một tín hiệu đáng mừng là chúng ta không loại trừ một ai nếu người đó vi phạm pháp luật. Về mặt chính quyền, Nhà nước, về mặt vi phạm pháp luật thì các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc như thế nào để khẳng định với cử tri, với nhân dân, dư luận xã hội, rằng chúng ta đã kiên quyết làm thì làm đến cùng.
PV: Kết luận của UBKTTW lần này có tác động ra sao đến những quan chức còn có tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “bình minh nguyên lão” như ông từng phát biểu trên nghị trường?
Ông Lê Như Tiến: Pháp luật phải có những chế định, dù ở thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, dù “chuẩn bị hạ cánh” thì cũng không thể nào làm chuyến “tàu vét cuối cùng”. Điều đó thể hiện sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước và có làm như thế thì mới lấy lại niềm tin trong nhân dân, cử tri cả nước.
PV: Theo ông, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra trong việc kiểm soát quyền lực?
Ông Lê Như Tiến: Có một nguyên lý rất cơ bản đó là nơi nào có quyền thì nơi đó rất dễ lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền. Vì thế phải kiểm soát quyền lực và đây là khâu rất quan trọng.
Trong thời gian vừa qua, khâu kiểm soát quyền lực chưa tốt nên mới nảy sinh ra sự lộng hành của một số người có chức, có quyền. Vì thế, về mặt Quốc hội cần hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho việc kiểm soát quyền lực được tốt hơn; về mặt Nhà nước, Chính phủ cũng có cơ chế để kiểm soát quyền lực, huy động nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc, tham gia vào việc kiểm soát quyền lực thì mới hạn chế được việc lộng quyền, chuyên quyền, vượt quyền.
PV: Xin cảm ơn ông./.