Những nỗi đau phía sau tay lái
Chị Trần Thị Đào bên bàn thờ con trai |
Chị Trần Thị Đào, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình đã khóc cạn nước mắt khi mất đi người con trai mới 10 tuổi. Em đã mãi mãi không thể trở về nhà trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vào ngày cuối tháng 7 vừa qua, người phụ nữ điều khiển chiếc xe ô tô con, đến trước Trung tâm giáo dục thường xuyên, thuộc xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, đã đâm va vào chiếc xe đạp do 2 em học sinh chở nhau. Vụ tai nạn đã khiến em P. tử vong tại chỗ. Điều đáng nói là người điều khiển xe ô tô chưa có bằng lái.
Chị Đào buồn bã chia sẻ: “Từ khi cháu mất, tôi không thể ăn nổi một bát cơm. Suốt ngày tôi chỉ nhớ nó thôi.”
Di ảnh người con trai và con dâu của gia đình bà Dương Thị Gia |
Đã hơn 5 năm trôi qua, nhưng gia đình bà Dương Thị Gia ở xóm Bồng Lai, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình vẫn chưa quên được nỗi đau khi vụ tai nạn giao thông đã cùng lúc cướp đi người con trai và con dâu của bà. Nỗi đau cứ dai dẳng khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Những năm qua, cái nghèo vẫn tiếp tục đeo bám gia đình bởi 3 đứa cháu đang tuổi ăn học bỗng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỉ biết nương tựa vào ông bà.
Bà Gia cho biết: “Cứ sang là nhìn thấy di ảnh của 2 con, tôi không còn tư tưởng gì để sống được. Giờ cố gắng vượt qua sóng gió để nuôi 3 đứa cháu ăn học bằng chúng bạn.”
Đằng sau những vụ tai nạn giao thông còn là bi kịch của gia đình thủ phạm trong các vụ tai nạn giao thông . Đã nhiều ngày ròng rã tham dự các phiên tòa của vụ án tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người chết và 6 người bị thương do xe ô tô Inova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xảy ra vào cuối năm 2016, chị Vũ Thị Thúy, vợ của bị cáo Lê Ngọc Hoàng dường như đã mòn mỏi và kiệt sức.
Chị Thúy chia sẻ: “Chồng em bị như vậy một nách em nuôi 2 con nhỏ và trả lãi hàng tháng của gia đình nên rất khó khăn.”
Mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao tính tự giác, ý thức trong chấp hành luật giao thông |
Hậu quả mà những vụ tai nạn giao thông để lại vô cùng nặng nề và đau xót, cho cả người đã ra đi và người ở lại. Vì vậy, bản thân mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao tính tự giác, ý thức trong chấp hành luật giao thông. Cùng với đó, để tuyên truyền hiệu quả, các cơ quan tố tụng cũng cần xét xử công khai, lưu động tại cộng đồng dân cư đối với một số vụ án nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa.
Thẩm phán Vũ Duy Chinh, Chánh văn phòng Tòa án Nhân dân huyện Đại Từ cho biết: “Việc xét xử các vụ án vi phạm về trật tự ATGT đường bộ là cần thiết cho giải quyết các vụ án, nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như mang tính răn đe, phòng ngừa chung đối với các loại tội phạm khác. Đối với người dân thì tuân thủ, chấp hành các nguyên tắc về Luật Giao thông đường bộ cũng như các văn bản hướng dẫn hơn nữa về ATGT khi tham gia giao thông.”
Sau mỗi “bản án” dành cho những kẻ coi thường pháp luật cũng như tính mạng của bản thân và người khác, đã có rất nhiều người phải hối hận nói hai từ “ giá như”. Phía trước tay lái là sự sống, vì vậy mỗi người hãy tham gia giao thông bằng trách nhiệm, vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng./.