Những người giữ gìn sách cổ của dân tộc Sán Dìu
Ông Hoàng Trọng Quý (áo nâu) - người gìn giữ truyền dạy ngôn ngữ cổ dân tộc Sán Dìu. |
Năm nay đã bước sang tuổi 81, ông Hoàng Trọng Quý là người có kiến thức uyên thâm về những nghi lễ, tập tục của dân tộc Sán Dìu đã được tích lũy qua nhiều năm. Hiện ông Quý đang lưu giữ khá nhiều những cuốn sách cổ có niên đại lên tới 300 năm, bao gồm hàng trăm những bài cúng, tế, những nghi lễ quan trọng của người Sán Dìu đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhờ những cuốn sách cổ này, nhiều năm qua, ông đã truyền dạy ngôn ngữ cổ, các nghi lễ, phong tục truyền thống cho nhiều người khác trong cộng đồng người Sán Dìu.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Trọng Quý, xóm Nứa, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên chia sẻ: "Các cụ ngày xưa là nhà nho, tất cả những người giữ sách lưu truyền hiểu về tập tục luôn giúp xóm làng làm lễ cúng bái vào dịp lễ tết như lễ cấp sắc... Bản thân tôi là người có kinh nghiệm và kiến thức về những tập tục của dân tộc nên luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con trong xóm mỗi khi họ cần".
Ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ông Hoàng Trọng Quý vừa được Chủ tịch nước phong tăng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, những nội dung rồi về văn hóa của dân tộc đều được ghi chép lại bằng chữ nho trong các loại sách cổ. Hiện nay ông Dưỡng đọc thông thạo tất cả các loại sách của dân tộc và nắm vững tập quán của dân tộc, và là một trong những người tham gia nhiều hoạt động ở khu vực để bảo tồn văn hóa của dân tộc Sán Dìu".
Với đam mê sách cổ từ khi còn nhỏ, ông Lục Quang Sinh đã giành 40 năm nghiên cứu, học chữ cổ của dân tộc để hiểu hết giá trị của cuốn sách lưu truyền trong dòng họ. Lưu giữ hơn 20 đầu sách giá trị được ví như “bách khoa toàn thư” của dân tộc Sán Dìu, chính bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết, ma chay, cưới hỏi, thờ cúng, người dân trong xóm lại tìm đến ông Sinh để nhờ xem sách và viết sớ. Tâm huyết với truyền thống dân tộc, điều ông Sinh trăn trở nhất, bản sắc văn hóa của người Sán Dìu dần mai một, trong đó có chữ viết.
Ông Lục Quang Sinh giành cả cuộc đời nghiên cứu, học chữ cổ để truyền dạy cho thế hệ trẻ. |
Ông Lục Quang Sinh, xóm Nứa, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên cho biết: "Khi dạy cho các cháu rất khó khăn vì phần lớn các cháu không ham học vì thời bây giờ các cháu thích đi làm kinh tế hơn, học chữ cổ không giúp ích về kinh tế được. Chúng tôi rât mong muốn Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ cho chúng tôi tổ chức được lớp học để khuyến khích các cháu gìn giữ văn hóa dân tộc".
Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, việc gìn giữ những cuốn sách cổ là điều quan trọng. Đó là tài sản vô giá để thế hệ con cháu được biết đến vốn tri thức quý mà cha ông đã truyền lại cho đời sau. Những người gìn giữ sách cổ như ông Quý hay ông Sinh góp phần giữ cho mạch nguồn văn hóa chảy mãi trong cộng đồng người Sán Dìu, giữ lửa và tiếp lửa cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương và giúp thế hệ trẻ hiểu được những giá trị văn hóa lớn lao của người Sán Dìu nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung./.