Những dấu ấn về Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái
Các chị, các anh mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ, với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở. Các chị, các anh đã anh dũng hy sinh nhưng hình ảnh và chiến công vẫn trường tồn, vang vọng mãi trong lòng mỗi người, nhất là người dân “Đất Thép”. Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. Thainguyentv.vn tóm lược những dấu ấn về Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.
1- 915 - Đại đội trẻ nhất:
Đại đội 915 đều là những người rất trẻ, tuổi đời chỉ 17 - 18 từ các huyện tham gia TNXP, chủ yếu là nữ người dân tộc thiểu số.
Tháng 4 năm 1972, giới cầm quyền Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc nước ta với mức độ, quy mô ngày càng tăng, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Tháng 6/1972, Mỹ huy động máy bay, tàu chiến thả 13.000 quả thủy lôi và nhiều bom từ trường xuống 43 khu vực cửa sông, bến cảng thuộc 10 tỉnh, thành phố trên miền Bắc. Cảng Hải Phòng và nhiều cửa sông, bến cảng khác của miền Bắc bị phong toả. Việc vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và các loại hàng hoá thiết yếu khác do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận hàng (chủ yếu là lương thực và hàng hóa quốc phòng) từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc chuyển về theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và Đường sắt Kép - Lưu Xá; khối lượng vận chuyển mỗi tháng từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn, vừa để dự trữ, vừa để tiếp chuyển cho các chiến trường và các tỉnh trong khu vực. Hai là, phải đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống trên các trục đường giao thông; đặc biệt là trên các trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và các đường sắt Kép - Lưu Xá, Quán Triều - Hà Nội.
Ga Lưu Xá và ga Quán Triều (thành phố Thái Nguyên) trở thành “cảng cạn” của miền Bắc, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân trang, quân dụng để từ đó tiếp tục chuyển đi chi viện cho các chiến trường đánh Mỹ. Vì vậy, Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Trong điều kiện như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/BT, ngày 25/5/1972 về việc tuyển 600 TNXP nhằm tăng cường cho lực lượng để đảm nhận hai nhiệm vụ trên. Với tinh thần đó, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn phát động phong trào “Thanh niên xung kích đảm bảo giao thông vận tải”. Chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 673 đoàn viên, thanh niên được tuyển chọn, bổ sung cho Đội TNXP 91 Bắc Thái (vượt chỉ tiêu 73 đội viên). Tháng 6/1972 Ban Chỉ huy Đội 91 tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị trực thuộc, gồm Văn phòng Đội 91, 4 đại đội (911, 912, 913, 914) và tổ chức thành lập mới Đại đội 915.
Đại đội 915 có 102 cán bộ, đội viên là con em nhân dân thuộc 8 huyện: Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn), Đồng Hỷ, Phổ Yên, Đại Từ và Phú Bình (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), ở lứa tuổi từ 17 đến 25, được biên chế thành 7 tiểu đội. Ban Chỉ huy Đại đội 915 có 3 đồng chí, gồm Đại đội trưởng Triệu Văn Việt (người huyện Chợ Đồn) và 2 Đại đội phó là các đồng chí Trần Thị Chu (người huyện Định Hóa), Vũ Trung Tấn (người huyện Phú Bình). Đại đội có 4 đảng viên, tổ chức thành 1 chi bộ, do đồng chí Triệu Văn Việt làm Bí thư. Tổ chức chuyên môn Đại đội có đồng chí Dương Văn Tý (cán bộ kỹ thuật), đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (y tá), đồng chí Hà Văn Ly (giáo viên dạy phổ thông). Phụ trách công tác tiếp phẩm cho Đại đội là đồng chí Hoàng Văn Chấm.
2- Hoạt động ở địa bàn trọng yếu, nguy hiểm nhất:
Đầu tháng 9/1972, đoàn viên Đại đội 915 được chuyển sang làm nhiệm vụ san lấp ổ gà, ổ trâu, sửa chữa giao thông trên tuyến đường 16A, đoạn từ Chùa Hang đi Trại Cau. Đây là con đường vận chuyển lương thực, hàng hóa từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang, đường 16 A qua Trại Cau về Chùa Hang, theo quốc lộ 1B về TP Thái Nguyên trước khi chuyển tới Hà Nội. Với vị trí trọng yếu này, giặc Mỹ thường xuyên cho máy bay thả bom dữ dội hòng cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa của ta.
Ngay sau khi được thành lập, cán bộ và đội viên Đại đội 915 đã cùng với các đại đội: 911, 912, 913, 914 trong Đội 91 và 160 công nhân của Công ty Cầu - Đường (thuộc Ty Giao thông) ra quân làm nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp đoạn Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên) đến xã La Hiên (huyện Võ Nhai); đồng thời phân tán lực lượng, đảm bảo giao thông, vận tải các cầu đường sắt, đường bộ: Đa Phúc, Gia Bẩy, Trà Vườn và ngầm Sơn Cẩm, bến phà Oánh,... là những trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá ác liệt nhất trên địa bàn Thái Nguyên.
Đầu tháng 9/1972, cán bộ, đội viên Đại đội 915 được điều sang làm nhiệm vụ rải cấp phối, sửa chữa và đảm bảo giao thông vận tải Đường 16A, đoạn từ ngã ba Chùa Hang đến thị trấn Trại Cau. 9 giờ 30 phút sáng 13/9/1972, máy bay Mỹ ồ ạt đến ném bom, bắn phá xuống đoạn Đường 16A đi qua khu vực làng Phan, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ - nơi cán bộ và đội viên Đại đội 915 đang sửa chữa, nâng cấp đường. Bom đạn do máy bay Mỹ bắn phá đã làm đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh tại chỗ và 8 đội viên (Cà Thị Phương, Lê Thị Đoàn, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Ly, Lương Thị Hội, Trần Văn Vọng, Lương Thị Phương) bị thương.
Sau trận máy bay Mỹ ném bom gây thương vong, tổn thất cho đơn vị, cán bộ, đội viên Đại đội 915 không những không hoang mang, dao động mà còn khắc sâu thêm lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, kiên cường bám đường, bám cầu, đảm bảo giao thông vận tải kịp thời thông suốt.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Ních-xơn âm mưu bằng việc đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc sẽ hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với quân đội và chính quyền Sài Gòn. Hơn thế, nếu cuộc tập kích đường không thành công còn có tác dụng đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 29/12/1972), đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố khác của miền Bắc. Tại Thái Nguyên, vào các thời điểm: 4 giờ 30 phút ngày 20/12 và từ 23 giờ 40 phút ngày 20/12 đến 0 giờ 15 phút ngày 21/12, nhiều tốp máy bay ném bom chiến lược B52 của giặc Mỹ đã lao vào ném bom hủy diệt tại các khu vực: Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Xí nghiệp Gạch Tân Long (thuộc Ty Kiến trúc Bắc Thái), Nhà máy Điện Cao Ngạn, Xí nghiệp Ô tô số 10, đơn vị bộ đội 9007, Tiểu khu Thống Nhất, xã Quang Vinh, xã Đồng Bẩm, xã Cao Ngạn (huyện Đồng Hỷ), Cầu Gia Bẩy, Trường Y sĩ, dọc đường số 3 từ xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương) xuống đến Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Tiểu khu Tân Long và Tiểu khu Hoàng Văn Thụ. Cuộc tập kích này của Mỹ đã gây cho nhân dân Thành phố Thái Nguyên nhiều tổn thất nặng nề về người và của, đặc biệt là khu vực xung quanh nơi ở và làm việc của Đại đội 915, nhưng cán bộ, đội viên Đại đội 915 vẫn kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ sửa đường đảm bảo giao thông vận tải.
3- Giải tỏa số lượng hàng hóa nhiều và nhanh nhất (từ ngày 23-24 tháng 12 năm 1972, giải tỏa hơn 20 ngàn tấn hàng hóa)
Gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cần được giải tỏa - một nhiệm vụ hết sức khẩn trương và cấp bách đối với Đại đội.
Ngày 23/12/1972, đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện giải tỏa hàng hoá ở các kho nằm trong khu vực đánh phá của địch.
Ngay sau đó, Ủy ban tỉnh giao Đội 91 cử 100 cán bộ, đội viên xuống cùng các cán bộ, công nhân khu gang thép và ở ga Lưu Xá thực hiện nhiệm vụ. Đại đội 915 được Ban Chỉ huy Đội 91 giao nhiệm vụ cử 60 cán bộ, đội viên xuống ga Lưu Xá cùng các lực lượng làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hóa quốc phòng. Nhận rõ yêu cầu, nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, biết trước nguy hiểm và có thể hy sinh tính mạng vì ga Lưu Xá là “túi bom”, là trọng điểm đánh phá của máy bay ném bom chiến lược B52, nhưng cán bộ và đội viên Đại đội 915 đều xung phong đi làm nhiệm vụ. Trước tinh thần hăng hái, với bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ, lãnh đạo Đại đội cũng đành phải chấp thuận cho 66 đồng chí tham gia, vượt chỉ tiêu trên giao. Điều đó đã khẳng định rõ tư tưởng, tình cảm, phẩm chất cách mạng, hành động anh hùng và khí phách kiên cường, bất khuất, sẵn sàng xả thân hy sinh vì nhiệm vụ của cán bộ, đội viên Đại đội 915.
Sáng sớm ngày 24/12/1972, từ nơi đóng quân ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 do Đại đội trưởng Triệu Văn Việt phụ trách đã hành quân và có mặt tại ga Lưu Xá, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thế Cường, Đội phó Đội 91 làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực, hàng hoá; số cán bộ, đội viên còn lại còn do Đại đội phó Tống Văn Minh phụ trách tiếp tục làm nhiệm vụ sửa chữa và đảm bảo giao thông vận tải trên Đường 16A.
Quán triệt khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, với tinh thần “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”, tại “cảng cạn” Lưu Xá, 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 làm việc miệt mài quên ăn, quên nghỉ, thoăn thoắt chuyển từng bao lương thực, hàng hóa lên xe ô tô. Không chịu thua các nam đội viên, có nữ đội viên đã cõng trên lưng bao gạo nặng gần gấp đôi so với khối lượng cơ thể của mình. Vừa lao động, các đội viên vừa vui vẻ cất cao tiếng hát, rộn rã tiếng cười. Chập tối, số lương thực, hàng hoá quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải toả.
4- Sự hy sinh tập trung và anh dũng nhất:
60 đoàn viên TNXP và 2 nhân viên thủ kho lương thực Lưu Xá hy sinh ngay trong hầm trú ẩn, 8 người bị trọng thương, sau đó 1 người hy sinh tại bệnh viện.
Chập tối 24/12, số lương thực, hàng hoá quốc phòng tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản đã được giải toả, cả đơn vị còn chưa kịp ăn cơm thì còi báo động đã rú lên, đồng thời với tiếng loa phóng thanh dồn dập thông báo “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ đang bay vào thành phố Thái Nguyên” liên tục hối thúc. Rồi tiếng máy bay phản lực như muốn xé toang bầu trời, bom từ những chiếc B52 trên cao bắt đầu trút xuống, từng đợt, từng đợt. Không quản hiểm nguy, từ mặt đất, lực lượng phòng không của ta anh dũng bắn trả. Những ánh chớp, đường đạn màu đỏ đan chéo nhau sáng rực bầu trời. Tiếng nổ rền rĩ, dữ dội nối theo nhau làm mặt đất rung lên, như vỡ ra từng mảng. Toàn bộ 66 cán bộ và đội viên Đại đội 915 cùng đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường và 2 thủ kho lương thực đã vào hết 2 hầm trú ẩn ở Khu tập thể Bệnh viện Gang thép tại xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên (1 hầm tập thể hình chữ U xây bằng gạch, nắp đậy bằng bê tông vững chắc; 1 hầm kèo chữ A làm bằng tre, gỗ).
Sáu tốp máy bay ném bom chiến lược B52 và các máy bay chiến thuật của giặc Mỹ với hàng trăm chiếc đánh phá vào các khu vực trọng điểm thuộc vùng công nghiệp phía Nam thành phố Thái Nguyên (nơi có “cảng cạn” ga Lưu Xá và nhà máy Gang thép). Bọn giặc lái Mỹ lồng lộn thả bom, bắn phá, chúng sử dụng cả bom tọa độ để tăng cường độ chính xác. Máy bay B52 được phối hợp bởi một dàn máy bay hộ tống, gồm EB-66, EA-6B, F4, F105,… Tất cả các ụ pháo và trận địa tên lửa của bộ đội ta bất chấp hiểm nguy, dũng cảm bắn trả đến cùng, nhưng chúng liều mình cắt bom rồi tẩu thoát khỏi vùng chiến sự. Bầu trời đêm cuối năm ga Lưu Xá sáng rực bởi bom đạn. Bom đạn giặc Mỹ ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn: Khu Công nghiệp Gang thép, Bệnh viện Gang thép, Bệnh viện Lao Khu Tự trị Việt Bắc, Xí nghiệp Nước chấm Thành phố Thái Nguyên; các tiểu khu: Hương Sen, Phú Mỹ, Lưu Xá và xã Túc Duyên, xã Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên); xã Tích Lương (huyện Đồng Hỷ)…
Một loạt bom rơi vào khu vực cán bộ, đội viên Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái và thủ kho lương thực trú ẩn. Một quả bom rơi trúng một đầu hầm chữ U, nơi trú ẩn của phần đông TNXP. Liền lúc đó, quả bom khác lại thả trúng đầu hầm bên kia, làm căn hầm lún sâu, biến dạng; đồng thời vùi lấp căn hầm chữ A bên cạnh.
Khi còi báo yên, bầu trời Gia Sàng chìm trong bóng tối và yên lặng, nhưng là cái im lặng rùng rợn của chết chóc, đau thương. Mùi những vật cháy từ kho hàng lớn tỏa ra khét lẹt. Những đóm than chưa tàn hết còn đỏ ngòm, nhấp nháy trong đêm. Những mảnh áo TNXP cháy sém mắc trên những khóm cây trinh nữ. Ba lô tư trang của TNXP ngổn ngang lẫn đất đá. Dưới căn hầm bị sập, văng vẳng những tiếng khóc và tiếng kêu cứu của anh chị em. Tại nơi căn hầm bị trúng bom, sau khi còi báo yên, các lực lượng của địa phương, đơn vị ở gần đó (nhân dân địa phương, ga Lưu Xá, tự vệ và cán bộ, công nhân thuộc Công ty Gang thép, các đơn vị vận tải...) đã tập trung đào bới, tìm cứu những người bị vùi lấp do sập hầm.
Trong đêm tối, từng đợt gió mùa đông bắc tràn về, nước mắt và những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi xuống. Thi thể một số TNXP không còn nguyên vẹn, vương vãi khắp nơi, có bàn chân, bàn tay nằm trên nóc nhà, cành cây, có người phải khó khăn lắm đồng đội mới nhận ra được bởi sự tàn phá của bom đạn làm cho khuôn mặt bị biến dạng, dập nát. Tại căn hầm bị sập, mấy chục thi thể dồn lại, bị chết do ngạt thở; một số đội viên nữ chết trong tư thế người nọ ôm người kia, liền nhau thành một khối, đồng đội phải gỡ từng người ra, đưa lên các xe ô tô tải, vận chuyển về Dốc Lim. Đến sáng 25/12, việc tìm kiếm, cứu nạn cơ bản hoàn tất. Những trái bom oan nghiệt từ máy bay của đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 62 người đang làm nhiệm vụ, gồm đồng chí Đội phó Đội 91 Nguyễn Thế Cường, 59 cán bộ, đội viên Đại đội 915; 2 cán bộ thủ kho của Ty Lương thực là đồng chí Lê Quang Hòa và Đỗ Xuân Sinh; đồng thời làm 7 cán bộ, đội viên Đại đội 915 bị thương. Thi thể của những người hy sinh được chuyển về một cánh đồng gần Nghĩa trang Dốc Lim. Ở đó có hơn ba chục cán bộ chiến sĩ của các đại đội thuộc Đội 91 được điều tới đào huyệt, chôn cất. Không ai cầm được nước mắt, vừa xót thương, vừa miệt mài làm nhiệm vụ, cẩn trọng từng li từng tí như gửi nỗi niềm xót thương, nhớ nhung của mình với những người đồng đội. Thi thể của các chị, các anh được đồng đội dùng cồn lau rửa, khâm liệm rất chu đáo và được thay quần áo TNXP mới. Những thi thể không còn nguyên vẹn được đưa vào túi ni lông, xếp thành hàng, đặt vào đó một bộ quần áo TNXP mới. Từng ngôi mộ được đánh số, vẽ sơ đồ cẩn thận.
5- Đại đội phải gánh chịu số lượng bom đạn lớn nhất trong một đêm:
Chập choạng tối Noel 24/12, khi 66 đoàn viên Đội 915 chưa kịp bưng bát cơm thì 34 chiếc B52 kèm 40 máy bay chiến thuật ồ ạt lao đến. Bữa cơm bỏ dở, tất cả báo động xuống hầm trú ẩn. 700 quả bom rải thảm khắp thành phố Thái Nguyên, khu vực ga Lưu Xá chìm ngập trong bom Mỹ.
Cuộc tập kích đường không chiến lược trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, thành phố Thái Nguyên cùng nhiều tỉnh, thành phố khác trên miền Bắc là cuộc ném bom hủy diệt man rợ, với hơn 100 ngàn tấn bom, đạn (tương đương 2 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945), hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường, làm thương 1.355 người. Những hy sinh, mất mát của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ là vô cùng to lớn, không thể bù đắp. Chỉ riêng trong các cuộc không kích từ ngày 20 đến 28/12/1972, đế quốc Mỹ đã cho các loại máy bay thả 1.963 quả bom xuống 36 điểm thuộc thành phố Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và 6 lần bắn tên lửa xuống 2 xã thuộc huyện (nay là thị xã) Phổ Yên. Các điểm bị đánh phá gồm: 9 cơ sở kinh tế công nghiệp, 6 địa điểm kinh tế nông nghiệp, 2 địa điểm thương nghiệp, 6 địa điểm trường học, bệnh viện, 3 địa điểm có cơ sở quốc phòng, 7 địa điểm giao thông cầu đường... Có điểm giặc Mỹ đánh đi đánh lại tới 2 - 3 lần như Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy Điện Cao Ngạn, ga Lưu Xá. Mật độ thả bom của địch rất dày, có những khu vực bị bom rải xuống nhiều lượt, cả bom phá, bom hơi, bom từ trường... nên nhiều hầm hào không chịu nổi sức bom đã bị sập. Cuộc tập kích này đã làm 323 người chết (trong đó có 65 TNXP); 86 người bị thương (trong đó có 14 TNXP). 393 nhà gạch, nhà lá các cơ quan, xí nghiệp và của dân bị đổ sập, 7 ô tô, 7 xe đạp, 10 vạn viên gạch ngói bị phá hủy, 3 kho lương thực, 2 kho thiết bị cơ điện, 2 kho giấy của Nhà máy Hoàng Văn Thụ và 1 kho dầu nhờn bị hư hại nặng. Gần 3 chục con trâu bị chết, gây trở ngại cho sản xuất, 219 con lợn bị chết và 237 mẫu ruộng đất bị bom đào xới phải mất công vùi lấp mới cày cấy và trồng cây được./.