Bình Dương là một trong những tỉnh công nghiệp hóa nhanh. Hiện tỉnh có 28 khu và 10 cụm công nghiệp, thu hút gần 1 triệu công nhân. Đây cũng là địa bàn nhức nhối về tội phạm hình sự.

nhuc nhoi toi pham hinh su tai cac khu cong nghiep o binh duong

“Hiệp sĩ” Bình Dương bắt tội phạm (Ảnh: Khám Phá)

Bình Dương được Bộ Công an đánh giá là một trong 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự và là một trong 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức. Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Dương, từ năm 2012-2016, trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã xảy ra hơn 4.700 vụ phạm pháp hình sự, tương đương với 950 vụ mỗi năm.

Tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội chiếm đến hơn 92%, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đa số là công nhân tuổi đời còn trẻ.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tại các địa bàn khu công nghiệp thường xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động cướp, cướp giật, bảo kê, chiếm đoạt tín dụng đen, trộm cắp, đánh bạc…

Thời gian qua, Công an tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội và tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các cụm, khu công nghiệp, không để tội phạm hoạt động lộng hành, đồng thời tham gia với các Sở, ban ngành, nhân dân địa phương trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Không chỉ các vụ phạm pháp hình sự gia tăng mà hiện nay, tội phạm trộm cắp tài sản cũng đang là vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Phổ biến nhất là nhân viên bảo vệ câu kết với đối tượng bên ngoài trộm cắp tài sản trong công ty, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của công nhân. Tội phạm cướp giật tài sản hoạt động theo băng nhóm đang có diễn biến phức tạp.

Gần đây nhất, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá băng nhóm gây ra hàng chục vụ cướp trên địa bàn Bình Dương, do Huỳnh Văn Cường (19 tuổi, quê An Giang) cầm đầu, bắt giữ 6 đối tượng, thu nhiều xe máy, điện thoại và tang vật khác.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương mong muốn địa phương thành lập thêm đồn công an tại các khu công nghiệp để kịp thời trấn áp tội phạm đe dọa công nhân. Hiện nay, Bình Dương chỉ mới có 2 đồn công an tại Khu công nghiệp Sóng Thần và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

“Có đồn công an tại nơi mà doanh nghiệp đóng địa bàn thì khi có những vấn đề gì thì họ liên hệ trực tiếp với đồn công an tại đó và sẽ được giải quyết nhanh hơn, những việc lặt vặt xảy ra sẽ được kết thúc sớm trước khi quá trễ” - ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nói.

Trong buổi làm việc với Công an tỉnh Bình Dương mới đây, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo phải quản lý được lao động, nhất là công nhân ngoại tỉnh, không có việc làm ổn định. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng cần được kiểm soát chặt.

Để đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời phản ứng với những tình huống xấu xảy ra trong các khu công nghiệp, Bình Dương phát huy vai trò của các tổ công nhân tự quản. Công an tỉnh phải hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình này.

Đảm bảo an ninh trật tự là biện pháp để Bình Dương tăng trưởng và công nghiệp hóa bền vững./.