Nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp
Do lưu lượng lượng người và các phương tiện lưu thông khá đông nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng |
Tuyến đường liên xã Yên Ninh, Yên Trạch, huyện Phú Lương đi xã Phú Tiến, huyện Định Hóa có chiều dài khoảng 20 km. Với vai trò kết nối giao thương và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nên tuyến đường này thường xuyên có lưu lượng lượng người và các phương tiện lưu thông khá đông. Đến nay, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí, mặt đường bị trồi lún, đất, đá lởm chởm, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đặng Thị Thảo, xóm Suối Bén, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương cho biết: “Rất là sợ, không biết đường ở chỗ nào để đi cho nó an toàn. Đi thì cứ đi mò mẫm thôi…”
Ông Hứa Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên phản ánh: “Tuyến đường xuống cấp này khiến việc đi lại khó khăn, trẻ em, người lớn đều hay bị trượt, ngã. Những vũng khi mưa đọng lại nước không biết độ sâu thế nào khiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy”.
Tương tự, tuyến đường DT 272, đoạn nối từ UBND xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ đến nút giao với Quốc lộ 1B cũng đã xuống cấp nghiêm trọng hàng chục năm nay. Mặc dù đoạn đường trên chỉ dài khoảng 5km, thế nhưng phải mất đến 30 phút di chuyển bằng ô tô.
Anh Hoàng Văn Sắc, xóm Xuân Quang, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, phản ánh: “Lâu lâu có ổ trâu, ổ gà được san lấp nhưng chỉ được vài hôm lại hỏng hết”.
Đường giao thông xuống cấp đang ảnh hưởng lớn đến người dân và tình hình sản xuất |
Ông Đàm Văn Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho rằng: “Giao thông mà thông suốt thì chắc chắn các sản phẩm nông sản của địa phương miền núi chúng tôi bán sẽ được giá hơn. Người ta cũng muốn mua lắm nhưng vì đường khó đi nên sản phẩm bị họ ép giá. Nhiều nông sản trong vùng bà con làm ra gặp nhiều khó khăn về đầu ra”.
Và đây là thực trạng trên tuyến đường liên xã Phú Tân, Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên đi xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
Ông Phùng Đình Thúy, xóm 8, xã Phú Tân, Thị xã Phổ Yên cho biết nỗi khổ về thực trạng đường đi khó: “Ví dụ người ta chỉ mua độ 500-600 đồng/cây keo giống. Nhưng vận chuyển đường xá đi lại khó thì giá đội lên 700-900 đồng/cây. Mọi thứ đều liên quan đến giao thông nông thôn”.
Trước thực tế trên, người dân rất mong những tuyến đường trên sớm được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương phát triển kinh tế, cũng như góp phần hoàn thành tiêu trí nông thôn mới về hạ tầng giao thông tại các địa phương./.