Nhiều bị cáo được đề nghị mức thấp nhất trong khung hình phạt
Toàn cảnh phiên tòa. |
Trên cơ sở căn cứ tài liệu điều tra, cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc TISCO từ 10-11 năm tù; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc TISCO từ 9-10 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo khác: căn cứ mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo bị đề nghị mức án cao nhất từ 8-9 năm tù, thấp nhất từ 2-3 năm tù.
Về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đề nghị xử phạt: Nguyễn Chí Dũng, Đoàn Thu Trang và Hoàng Ngọc Diệp, nguyên thành viên Hội đồng Quản trị TISCO từ 2-3 năm tù; Nguyễn Minh Xuân, nguyên thành viên Hội đồng Quản trị VNS từ 12-18 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, buộc tất cả các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại hơn 830 tỷ đồng cho TISCO theo quy định pháp luật. Về biện pháp tư pháp, tiếp tục kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quyết định của cơ quan điều tra để đảm bảo thi hành án. Các mức án đề nghị nêu trên được đánh giá là thấp hơn khung truy tố theo cáo trạng. Lý do là toàn bộ 19 bị cáo trong vụ án này đều phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, thành khẩn khẩn khai báo; tích cực phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết. Một số bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác, tuổi cao, sức khỏe yếu, đã có biện pháp khắc phục hậu quả... nên được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Trong phần tranh tụng sáng ngày 15/4 tại phiên tòa, các luật sư đã trình bày nhiều luận cứ bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, nhiều ý kiến của luật sư cho rằng cáo buộc của Viện kiểm sát đối với một số bị cáo cần được xem xét lại cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành thời điểm xảy ra vụ án.
Bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng và Trần Văn Khâm (nguyên Tổng giám đốc TISCO), luật sư cho rằng cần đánh giá chính xác vai trò của TISCO, từ đó, đánh giá vai trò của từng bị cáo trong từng giai đoạn cụ thể. Từ những phân tích, luận cứ đưa ra trên cơ sở áp dụng các quy định pháp luật hiện hành, luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chuyển tội danh cho bị cáo Trần Trọng Mừng, Trần Văn Khâm từ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời, trả hồ sơ để các cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra bổ sung, đưa thêm pháp nhân là các nhà thầu phụ sau này để đánh giá chính xác vai trò, trách nhiệm của bị cáo Mừng trong vụ án. Quan điểm của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo còn cho rằng trách nhiệm chính trong việc giới thiệu nhà thầu không đủ năng lực thực hiện phần C của hợp đồng xây lắp, dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn, gây thất thoát ở Dự án giai đoạn 2 của TISCO phải thuộc về Bộ Công thương, TISCO và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, trước đó, tại phần thẩm vấn, trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Bộ Công Thương cho rằng văn bản của Bộ chỉ mang tính chất giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ, còn quyết định hay không là ở TISCO và VNS./.